Tại Việt Nam, việc Nghị định 155/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-2) tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng được dư luận quan tâm không kém. Theo nghị định này, mức phạt tiền sẽ tăng từ 10 đến 25 lần đối với các hành vi gây mất vệ sinh nơi công cộng. Trong đó, mức phạt đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định là 1-3 triệu đồng; vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, thương mại: 3-5 triệu đồng; vứt tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định: 0,5-1 triệu đồng; vứt rác thải lên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước: 5-7 triệu đồng.
Trong một thời gian khá dài, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của nhiều người dân có vẻ như đang… ngủ yên. Mặt trận quản lý cũng vậy, nó cho thấy sự thiếu quyết liệt, chưa tạo được sự đột phá trong xây dựng nếp sống vệ sinh ở một nước đang phát triển, mật độ dân số cao và lượng xe máy lớn thứ 4 thế giới.
Nếp sống vệ sinh, văn minh không phải từ trên trời rơi xuống mà là kết quả của sự dày công thực hiện các biện pháp từ tổ chức, xây dựng, giáo dục đến xử phạt nghiêm minh. Ngay ở những quốc gia đã tạo dựng được nền móng tự giác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, nhà chức trách hiện vẫn không có dấu hiệu nhẹ tay với hành vi xả rác.
Tại Singapore, với người xả rác vi phạm lần đầu, mức tiền phạt tối đa là 2.000 SGD (khoảng 32 triệu đồng, tăng gấp đôi kể từ năm 2014), tái phạm sẽ bị phạt đến 4.000 SGD. Những ai vi phạm 3 lần, ngoài mức phạt 10.000 SGD còn có thể bị bắt lao động công ích và bêu tên trên báo. Riêng người khạc nhổ ở nơi công cộng sẽ bị phạt 1.000-5.000 SGD. Đặc biệt, nhà chức trách còn khuyến khích người dân cung cấp video, hình ảnh… như là bằng chứng quy tội người xả rác tại tòa án, đồng thời đang tính đến việc áp dụng biện pháp “chia một phần tiền phạt cho người tố giác”.
Hàn Quốc nghiêm cấm xả rác và dành cho tội này mức phạt 30.000-50.000 won (600.000-1 triệu đồng) hoặc cao hơn tùy tính chất. Ở Nhật Bản, luật pháp còn khắt khe hơn khi người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến tương đương 2 tỉ đồng hoặc phạt tù cao nhất là 5 năm. Rõ ràng, để có những đường phố sạch đẹp như hiện nay, các quốc gia nêu trên đã trải qua một chặng đường dài gai góc.
Thói quen làm bẩn nơi công cộng của nhiều người Việt đã “lờn thuốc” sau một thời gian dài. Nghị định 155/2016/NĐ-CP giúp đánh động, thay đổi thói quen đó với điều kiện việc xử phạt cần được tổ chức thực hiện triệt để, minh bạch; tiến hành đồng thời với giáo dục ý thức tự giác và đầu tư xây dựng (lập các bãi chôn lấp rác, đáp ứng đủ thùng rác, nhà vệ sinh công cộng…).
Chúng ta có quyền hy vọng về một viễn cảnh sáng sủa hơn trong cuộc chiến chống một thói quen.
Bình luận (0)