Đây là vấn đề mới được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong nội quy kỳ họp QH lần sửa đổi này. Theo đó, Chủ tịch nước với tư cách là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu nhà nước và 3 chức danh đại diện cho các khối cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp ngay sau khi được bầu phải thực hiện việc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.
Việc những người giữ các chức danh quan trọng phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp vừa thể hiện trách nhiệm chính trị sâu sắc vừa có ý nghĩa khắc sâu trong tâm khảm người cán bộ lãnh đạo như là phương châm hành động về sự trung thành với những giá trị mà cả dân tộc đang hướng theo. Cũng có thể xem đây là lời cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong đời sống chính trị của chúng ta hiện nay, chỉ có đọc lời thề trong buổi lễ kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này được gìn giữ hơn 80 năm nay trong Đảng nhưng với nhà nước thì hầu như bị lãng quên. Không hiểu sao những lễ tuyên thệ ngày càng hiếm hoi, đặc biệt là tuyên thệ nhậm chức. Nhân sự được bầu ra hay bổ nhiệm chỉ đọc bài diễn văn trước QH có tính chất như phát biểu cảm tưởng.
Nhớ lại, Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau khi được QH bầu vào ngày 2-3-1946, Hồ Chủ tịch trịnh trọng đọc lời tuyên thệ nhậm chức như sau:
“Chúng tôi, Chính phủ kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tối cao Cố vấn đoàn và Ủy viên Kháng chiến hội, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước QH, xin thề, xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền Dân chủ Cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”.
Cha ông ta từ xa xưa cũng đã có văn hóa tuyên thệ. Vua Lý Thái Tông là người đầu tiên quy định việc tuyên thệ như một lễ thức của triều đình và lễ thức này được duy trì sang cả đời Trần. Thời Lê có “Hội thề Lũng Nhai”. Trước lúc xuất quân thần tốc ra Bắc đại phá quân Thanh, vua Quang Trung cũng đã có buổi “thệ sư” ở Thọ Hạc (Thanh Hóa)… Còn trên thế giới, tập quán này vẫn được duy trì như một truyền thống, có nơi trở thành thủ tục bắt buộc.
Tuyên thệ không chỉ là nghi thức thuần túy mà là một dịp cam kết về trách nhiệm cá nhân trước quốc dân đồng bào. Tuy không phải là chuyện quốc gia đại sự nhưng đó là văn hóa dân tộc, văn hóa quan trường, cần được tổ chức lại một cách bài bản, nghiêm túc. Hy vọng sau lời hứa là những chương trình hành động hiệu quả được thực hiện một cách đầy trách nhiệm. Đây cũng là nền tảng để bắt đầu tạo dựng văn hóa từ chức.
Bình luận (0)