Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã được UNESCO trao bằng công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2014 tại lễ đón nhận bằng di sản ở Hà Nội ngày 30-7.
Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến ở Việt Nam. Di sản này chứa đựng nhiều thông tin phong phú, phản ánh mọi lĩnh vực trong xã hội dưới triều Nguyễn như chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, giáo dục… Đặc biệt, theo nội dung các Châu bản, các cơ quan của triều đình nhà Nguyễn đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; cử nhiều đoàn ra 2 quần đảo này để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ. Châu bản ngày 21-6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) ghi rõ: Kết quả của đoàn khảo sát Hoàng Sa năm 1838 đã khảo sát được 25 đảo, trong đó có 13 đảo được khảo sát lần đầu…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định Châu bản là nguồn tài liệu vô cùng quý giá, có độ tin cậy cao, trong đó lưu bút tích phê duyệt của các hoàng đế triều Nguyễn. Châu bản chứa đựng các sự kiện lịch sử có giá trị minh chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Theo giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Châu bản triều Nguyễn được tôn vinh sẽ giúp quảng bá chủ quyền biển đảo khi đây là văn bản có giá trị lịch sử và giá trị pháp lý không thể chối cãi về chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Bình luận (0)