Thảo luận về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐB HĐND chiều 5-11, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng người ứng cử ĐBQH phải có lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe. Giấy khám sức khỏe ở đây phải có trắc nghiệm về thần kinh, tâm lý chứ không giống khám sức khỏe khi cấp giấy phép lái xe.
Mới rời bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được!
Đồng tình với ĐB Nghĩa, ĐB Nguyễn Văn Minh (TP HCM) cho rằng ĐBQH phải có sức khoẻ tốt vì tham gia nhiều hoạt động. Ông Minh nhấn mạnh: “Nên có một điều riêng về ĐBQH. Không thể một ông từ trên trời rơi xuống cũng ứng cử được”.
Thẳng thắn hơn, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) nhận định: “Dự luật đưa ra tiêu chuẩn hồ sơ đơn giản quá. Một người mới từ bệnh viện tâm thần xuất viện cũng ứng cử được. Tiêu chuẩn ĐBQH phải cao, HĐND cấp tỉnh cũng phải cao. Ứng cử ĐBQH không chỉ loại trừ tiền án mà tiền sự cũng không được. Nói chung chung trung thành này nọ thì ai cũng trung thành hết”.
Ngoài việc đề xuất đưa các tiêu chuẩn cụ thể của ĐBQH vào luật, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) còn cho rằng quy định về quy trình giới thiệu người ra ứng cử cần phải chặt chẽ để bảo đảm chọn được người uy tín, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân. Chung quan điểm, ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) cho biết thực tế, nhiều người ra ứng cử không nghiêm túc, nếu pháp luật không có chế tài và điều chỉnh thì sẽ khó bảo đảm. ĐB Dung đề xuất hồ sơ của người ứng cử ĐBQH và HĐND phải được cơ quan, đơn vị, tổ chức tại nơi làm việc xác nhận hoặc có lý lịch tư pháp.
Bổ sung ý kiến của ĐB Dung, ĐB Phạm Quang Nghị (Hà Nội) dẫn chứng: “Họ cứ chây ì ứng cử nên nhiều khi làm mất cơ hội của người khác. Tôi biết có ông công chức về hưu đầy đủ các tiêu chuẩn nhưng tìm hiểu ở khu dân cư thì mới hay ông này từng đấu đầu ống nước ngoài công tơ (gian lận - PV) nên mới có cơ sở loại ra được”.
Có hay không “quân xanh, quân đỏ”?
Theo dự án Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND do ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH, trình bày, những hành vi bị cấm gồm: Không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; không được sử dụng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Báo cáo thẩm tra do ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, trình bày cho rằng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong vận động bầu cử chưa thật sự đầy đủ và chưa dự liệu hết các khả năng có thể phát sinh trên thực tế.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt vấn đề: “Nếu quy định cấm như vậy thì phải nêu rõ trường hợp vi phạm thì xử lý thế nào”. ĐB Hà dẫn ví dụ: “Có trường hợp lên truyền hình một tháng liền, không nói tới tên nhưng có hình ảnh và giới thiệu chức danh. Đó là tác động đến người dân xem truyền hình rồi còn gì?”. Theo ĐB Hà, cần có quy định những hoạt động từ thiện phải dừng trước ngày bầu cử 30 ngày và chuyển cho cơ quan nào đó thực hiện những hoạt động này sau ngày bầu cử.
ĐB Phạm Quang Nghị cho biết đã phát hiện một đài truyền hình địa phương cho người ứng cử nói rất dài trên tivi vì có “đơn đặt hàng”, còn người nào không có thì không được phát biểu gì cả!
Theo ĐB Đỗ Văn Đương, nhiều người sinh sống ở TP HCM nhưng không ứng cử ở TP mà lại lên tận Điện Biên, Lai Châu để ứng cử. “Người dân thường hỏi có hay không “quân xanh, quân đỏ”? Trong lúc bỏ phiếu, có hay không việc vận động bầu cho người này, gạch người kia? Vì thế, luật phải quy định giám sát chặt chẽ kết quả kiểm phiếu” - ĐB Đương đề nghị.
Một người bầu thay 40-50 người
ĐB Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết ở tỉnh Quảng Bình có chuyện bí thư tỉnh ủy trượt HĐND tỉnh chỉ vì người dân đi bầu thay cho nhau. Có người một lúc cầm cả tập phiếu bầu thay cho 40-50 cử tri khác.
“Chúng ta phải quy định như thế nào để người dân coi việc đi bầu cử là quyền lợi của mình và tự bản thân đi làm việc đó. Các nước bầu cử có phòng riêng bí mật nhưng ở ta cứ ào ào, cử tri hầu hết đến bầu cử không biết mình bầu cho ai, rất nguy hiểm” - ĐB Cường lo ngại.
“Gắn” MTTQ với báo chí để tạo nên sức mạnh
Thảo luận chiều 5-11 về dự án Luật MTTQ sửa đổi, ĐB Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, cho rằng MTTQ Việt Nam cần phải kết hợp với báo chí để tạo thành sức mạnh. “MTTQ phải gây ra áp lực với các cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề cử tri bức xúc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mối quan hệ giữa MTTQ với phương tiện thông tin đại chúng là hết sức cần thiết nhưng trong dự luật lại vắng bóng điều đó” - ĐB Quyền nhận định.
Trong khi đó, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) chỉ ra: “Không ít người nghĩ mặt trận là làm chung chung, nói chung chung nên họ hay bảo “làm như mặt trận”. Theo Hiến pháp 2013, chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ đã có nhưng trong toàn bộ dự thảo luật này, công tác giám sát phản biện là chưa rõ”.
Bình luận (0)