xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ứng xử văn hóa: Chìa khóa vạn năng

HOÀNG LAN ANH

Gần đây, nạn vô cảm, chém giết... trong xã hội gây nhiều bức xúc, suy cho cùng cũng do cách ứng xử. Hà Nội đang hoàn thiện đề án xây dựng quy tắc ứng xử trong cộng đồng dân cư, nơi công cộng... để triển khai và theo nhiều người, cần nhân rộng mô hình này

Thiếu tôn trọng những giá trị truyền thống, nếp sống văn minh đô thị không được chú trọng, lối sống lệch chuẩn, thiếu văn hóa ở một bộ phận không nhỏ người dân… đã khiến Hà Nội lên kế hoạch xây dựng một hệ thống các quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người thủ đô thanh lịch, văn minh.

img

Một hình ảnh đẹp của văn hóa ứng xử tại Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Nhiều tổn hại

Theo PGS Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, những khía cạnh tiêu cực của văn hóa ứng xử đang làm phiền lòng nhiều người, gây tổn hại đến hình ảnh của một cộng đồng dân cư, một địa phương, thậm chí cả một dân tộc.

Dẫn chứng cho nhận xét của PGS Long, ông Nguyễn Hòa, Trưởng Ban Tuyên truyền - Lý luận Báo Nhân Dân, cho biết chỉ cần tới các ngã ba, ngã tư là chứng kiến thói ích kỷ, vô cảm đang tồn tại ở rất nhiều người. Đây là nơi mọi người đều cố tình bằng mọi cách chen lên trước, chỉ để giành lấy mẩu đường bằng nửa cái bánh xe, lấn sang làn đường bên trái để rồi làm khổ lẫn nhau vì ùn tắc.

“Sự “lên ngôi” của thói ích kỷ và thái độ vô cảm đi cùng tình trạng “nô lệ hàng hóa” không chỉ khiến nhiều người Hà Nội hiện nay như bị cuốn theo lối sống tiêu thụ hoang dã mà còn biến một số chuẩn mực định giá con người theo hướng tiêu cực. Rất đáng quan ngại khi định giá người khác, một số người thường lấy nhà cao cửa rộng, ô tô, hàng ngoại, đồ “xịn”… làm tiêu chuẩn, mà bỏ qua những phẩm chất tinh thần” - ông Hòa lo ngại.
Ông cũng băn khoăn: “Liệu có quá lời không nếu coi kiểu con người ích kỷ lên ngôi làm cho thói vô cảm, cái ác và lòng tham sinh ra nhiều biến thái khác nhau, đồng thời phá vỡ một số nguyên tắc ứng xử trong xã hội, đánh tráo một số giá trị?”.
TS Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương, nhận xét lối cư xử nhã nhặn, thanh lịch của người Hà Nội nay đang mất dần, thay vào đó là cách đối xử xô bồ, tục tĩu, huỵch toẹt, thiếu văn hóa. “Nhiều “fan cuồng” la hét, quỳ mọp trước thần tượng nhưng lại kiệm lời, không biết nói cám ơn, xin lỗi. Một bộ phận nhà hàng mặc sức xả  “bún mắng, cháo chửi” phục vụ “thượng đế”.
Ngoài phố, dù chỉ một va chạm nhỏ, người ta cũng dễ hàng nổi khùng chửi bới, thậm chí dùng mũ bảo hiểm làm vũ khí quật nhau. Nơi dịch vụ công cộng của Nhà nước, người ta hất hàm, hách dịch nói trống không với khách lớn tuổi, thỏa sức kể chuyện gia đình không mấy hay ho buộc khách phải chịu trận mà nghe...” - bà Hồng bức xúc.

Tiến sĩ Hồng thậm chí còn cho rằng không ít người đang ngưỡng vọng di sản văn hóa dân tộc nhưng lại thiếu một cách hành xử văn hóa, dù những đình đài miếu mạo, bia đá còn in lằn dấu tích khắc chữ. Theo bà, chưa bao giờ nhiều cư dân Hà thành lại thiếu văn hóa giao thông như hiện nay.

Bảy quy tắc ứng xử

Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị từng khẳng định: “Với Hà Nội, có lẽ không nhất thiết phải dẫn đầu về mặt kinh tế mặc dù cũng rất cần chú trọng phát triển kinh tế. Cái Hà Nội cần có chính là phải mạnh, phải dẫn đầu về mặt văn hóa, mà văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa rộng là cuộc sống, là lối sống, là trật tự, kỷ cương, là văn minh, thanh lịch, hiện đại”.
Trong khi đó, TS Lê Thị Bích Hồng nhấn mạnh: “Vai trò của hệ thống quy tắc ứng xử trong việc xây dựng văn hóa ứng xử là rất cần thiết. Ứng xử chính là chiếc chìa khóa vạn năng để mở cánh cửa hóc hiểm của lòng người”.

Sự cần thiết này là lý do khiến Hà Nội đang gấp rút xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người thủ đô thanh lịch, văn minh. Bởi, nói như PGS Phạm Quang Long, những tiêu cực của quan hệ ứng xử đang làm ô nhiễm môi trường xã hội mà các cơ quan chức năng và người dân, dù đã cố gắng rất nhiều, vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Ông Long cũng cho rằng xây dựng những quy tắc ứng xử không chỉ là của cá nhân, của một đơn vị mà nó đã trở thành vấn đề xã hội, là vấn đề của môi trường văn hóa. “Hơn tất cả, nó đã đặt ra như một hiện tượng xã hội cần phải xử lý, vì ở một mức độ nào đó, có khía cạnh đã đáng báo động” - ông lo lắng. Theo ông Long, thực tế, nhiều ứng xử từ chỗ là hành vi của cá nhân đã để lại những hậu quả xã hội nên cần phải được thể chế hóa, quy định hóa.

Bảy quy tắc trong giải pháp xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đang được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội xây dựng. Đó là các quy tắc ứng xử trong gia đình, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, cơ quan thương mại, dịch vụ, khu dân cư và nơi công cộng.
Theo TS Lê Thị Bích Hồng, bộ quy tắc này không chỉ phải chú trọng đầu tư văn hóa để văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống của người Hà Nội, mà còn phải phù hợp với từng đơn vị, cơ quan, chú trọng tính nêu gương đề cao những giá trị nhân văn.

Kết hợp cũ và mới

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử phải kết hợp cả cũ và mới. Quy tắc đạo đức có gốc rễ từ lâu đời trong truyền thống dân tộc, vì thế phải tận dụng. Bên cạnh đó, trước những vấn đề mới nảy sinh, cần phải xây dựng những quy tắc mới. Tán đồng với quan điểm này, PGS Long khẳng định việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử không phải bắt đầu từ con số 0 mà là đúc kết từ những nguyên tắc mang tính truyền thống, kết hợp điều chỉnh, bổ sung, xây mới để phù hợp nhu cầu đời sống.

GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh: Quy định về đạo đức nghề nghiệp trong các luật (Giáo dục; Dạy nghề; Luật sư; Công chứng; Khám bệnh, chữa bệnh…) là cơ sở quan trọng để tham khảo khi xây dựng các bộ quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức. Theo GS Thuyết, Bộ Nội vụ đã có văn bản hướng dẫn ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho các tổ chức xã hội trong cả nước. Trong đó, có các quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực ứng xử với nhân dân và xã hội, chuẩn mực ứng xử trong nội bộ tổ chức xã hội, nghề nghiệp, quy định về chuẩn mực ứng xử giữa các tổ chức xã hội nghề nghiệp với nhau cũng như chuẩn mực ứng xử trong quan hệ giải quyết công việc với các cơ quan, tổ chức.

Về nội dung hương ước, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - Thể thao (cũ) và MTTQ Việt Nam cũng đã có văn bản hướng dẫn. Những người vi phạm hương ước sẽ bị phê bình tại cộng đồng, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nặng hơn nữa thì có thể bị buộc thực hiện, nghĩa vụ, trách nhiệm trong phạm vi cộng đồng hoặc áp dụng các hình thức phạt…

Không thể chậm trễ

Nhà lý luận Nguyễn Hòa nhấn mạnh: Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nơi công cộng TP Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 định hướng 2020 là không thể chậm trễ. Tuy nhiên, quan trọng hơn là cần làm gì để hệ thống ấy không phải chỉ có ý nghĩa văn bản, đi cùng vài ba cuộc vận động “xuân thu nhị kỳ” mà thiếu đi sinh khí trong cuộc sống.

Theo ông Hòa, cần coi đây là việc làm lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì không giới hạn thời gian, càng không cần đến “định hướng 2020” để chứng tỏ một nhận thức sâu sắc về văn hóa. Quy tắc ứng xử này cũng không cần phải giới hạn trong không gian nào, không chỉ của Hà Nội mà còn cần mở rộng ra TPHCM, Đà Nẵng... và tất cả các địa phương trên cả nước.

“Đối với mỗi người, mỗi cộng đồng, các chuẩn mực trong văn hóa ứng xử là kết quả của quá trình đào luyện lâu dài, gắn liền với tinh thần tự giác, được rèn giũa ngay từ khi còn nhỏ. Khó có thể dạy một cháu bé ra đường dừng lại trước đèn đỏ nếu bố mẹ vẫn vô tư vượt qua. Khó có thể dạy trẻ con sống lành mạnh nếu ngày ngày các cháu được chứng kiến có người thậm thụt tới nhà đưa cho bố mẹ phong bì rồi gãi đầu gãi tai “anh chị giúp em” - ông Hòa nêu ví dụ.

Có nên luật hóa những hành vi cư xử thiếu văn minh hay không là mối quan tâm của nhiều người. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng xã hội nào cũng có 2 loại chuẩn mực điều chỉnh hành vi  con người, đó là chuẩn mực về đạo lý và pháp lý. Đã có nhiều bộ, ngành xây dựng quy tắc ứng xử cho cán bộ, nhân viên của mình thời gian qua. Đây được coi là những văn bản quy phạm pháp luật, nếu vi phạm là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với nhiều vi phạm khác, chỉ có thể giải quyết bằng những giao ước giữa các thành viên trong cộng đồng, nhất là ở lĩnh vực tinh thần, đạo đức. Với những thủ tục cưới xin, ma chay, ăn hỏi, lễ lạt, thăm viếng nhau..., rất khó có thể luật hóa mà chỉ dựa trên những quy tắc về đạo đức.

Yến Anh

Những tiêu cực của quan hệ ứng xử đang làm ô nhiễm môi trường xã hội mà các cơ quan chức năng và người dân, dù đã cố gắng rất nhiều, vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo