Mỗi sáng, cứ tầm 5-6 giờ, khi tiếng loa oang oang phát thẳng vào cửa sổ, đánh thức tất cả những người trong nhà dậy thì chị Nguyễn Thị Hà (ngụ phường Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội) lại không kìm được ước muốn “đập cái loa”.
Con gái chị mới 3 tháng tuổi rất khó nuôi, hay quấy khóc, thường chơi cả đêm và chỉ bắt đầu ngủ vào lúc 5 giờ. Vậy mà, 2 mẹ con vừa chợp mắt một lúc thì loa phường phát nhạc ầm ầm. Đứa trẻ giật mình tỉnh giấc, khóc mãi không dỗ được làm chị Hà phờ phạc sau một đêm mất ngủ. Chồng chị đã đến phường đề nghị điều chỉnh âm lượng loa thì cán bộ nơi đây giải thích nếu bật nhỏ quá, các hộ ở xa không nghe được. “Chẳng còn cách nào khác, gia đình tôi đành chịu đựng âm thanh tra tấn từ cái loa mỗi ngày” - chị Hà nói.
Gia đình anh Phạm Đăng Quang (ngụ quận Cầu Giấy) đang có tang, khách đến viếng cũng phải nói nhẹ, đi khẽ. Thế mà, loa phát thanh cả sáng lẫn chiều đều mở nhạc vui tươi, sôi động, át cả tiếng khóc thương người đã khuất. “Những lúc này, gia đình chỉ muốn có không khí tôn nghiêm nhất, vậy mà...” - anh Quang chia sẻ.
Hà Nội đang có hàng trăm chiếc loa phát thanh (còn gọi là loa phường) nhằm thông tin những sinh hoạt công cộng hay thông báo của chính quyền đến người dân. Những địa bàn đông đúc dân cư trong nội đô chính là nơi tập trung nhiều loa phường nhất. Phần đông người dân cho biết loa phường hoạt động không hiệu quả do nội dung thông tin chưa hữu ích, âm thanh lúc được lúc mất, tiếng rè rè. Trong khi đó, một số người dân ở ngoại thành, những người cao tuổi... lại cho rằng loa phường có tác dụng nhất định nhưng cần điều chỉnh âm thanh, mật độ đặt loa, thông tin phát... cho phù hợp.
Từ năm 2013, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội đã xây dựng dự thảo về quy chế hoạt động của hệ thống loa phường, xã trình lên UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến, các sở - ngành liên quan đều băn khoăn bởi không biết dựa vào cơ sở pháp lý nào để ban hành. Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội, cho biết hiện sở vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, tham mưu, báo cáo UBND TP để cho ý kiến.
Mặt khác, theo ông Khánh, Bộ TT-TT là cơ quan chỉ đạo chung về thông tin truyền thông của các tỉnh, TP nên cần sự chỉ đạo từ bộ. “Bộ TT-TT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo quản lý hệ thống thông tin cơ sở. Hệ thống đài truyền thanh xã, phường cũng chính là thuộc hệ thống thông tin cơ sở này” - ông Khánh nói.
Bảo đảm lợi ích cho số đông người dân
Tôi từng nghe nhiều người dân than phiền về cái loa phường. Phản ánh của người dân thì phải tiếp thu và có giải pháp làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích cho tất cả mọi người hoặc chí ít là cho số đông.
Loa phường phải có bởi người dân cần được cung cấp thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của nhà nước và địa phương. Tuy nhiên, thời lượng phát sóng của hệ thống truyền thanh phường, quận cần so le với nhau, tránh trùng thời điểm phát các bản tin quan trọng của truyền hình trung ương và Hà Nội. Về âm lượng, cần có sự điều chỉnh sao cho âm thanh ở mức vừa phải, tránh làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội
Kiểu truyền thông lạc hậu
Đến nay, nhà nhà đã có radio, tivi, internet, báo chí tràn ngập, hằng tháng họp tổ dân phố lại được phát các loại thông báo thông tin… Giờ truyền thanh kiểu loa phường không còn phù hợp, loa ra rả nói nhưng người dân có nghe không, tiếp nhận được bao nhiêu thông tin? Không thể phản hồi vì thông tin một chiều, “ai mà đi cãi nhau với cái loa bao giờ!”.
Người dân có thể tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn, có thể tương tác ngay với nguồn cung cấp thông tin như qua báo mạng, nâng cao được tính chủ động tiếp nhận và chọn lọc thông tin… Vì vậy, loa phường đã trở thành biểu tượng của một kiểu truyền thông lạc hậu, vô bổ, thậm chí gây phiền phức vì ở đô thị không gian công cộng cũng như riêng tư cần được gìn giữ để giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn. Việc loa phường bất chấp giờ giấc và cường độ đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gián tiếp góp phần làm cho đời sống đô thị trở nên căng thẳng.
TS Nguyễn Thị Hậu
Bình luận (0)