Ngày 7-9, phóng viên Báo Người Lao Động đã theo chân các chiến sĩ thuộc Đội CSGT số 4 - Công an TP Hà Nội thực hiện kiểm soát nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện tham gia lưu thông trên đường.
Hà Nội, TPHCM: Phạt gấp 2 lần
Địa điểm được lựa chọn nằm trên tuyến đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) - cửa ngõ lưu thông vào trung tâm TP Hà Nội. Theo trung tá Vũ Văn Ngoại, Đội phó Đội CSGT số 4, tuyến đường Giải Phóng có một số quán bia rất đông khách vào buổi trưa và tối. Nhiều người rời quán khi mặt mày đỏ gay nhưng vẫn vô tư lên xe máy phóng băng băng.
“Ngồi vui với anh em đúng là tôi có uống 1-2 cốc bia để chiều còn tỉnh táo làm việc nhưng không hiểu sao vẫn vi phạm” - anh T. “ngạc nhiên”. Trung tá Vũ Văn Ngoại giải thích: “Theo quy định, chỉ cần trong hơi thở có nồng độ cồn thì người điều khiển ô tô đã bị xử phạt. Thế nên uống 1-2 cốc bia như trường hợp của anh cũng có thể sẽ phải chịu phạt 1,2 triệu đồng. Đây là một trong 7 hành vi được Nghị định 34 áp dụng xử phạt cao gấp 2 lần so với những khu vực khác được áp dụng thí điểm tại địa bàn các quận trung tâm Hà Nội và TPHCM”.
Sau khi xem kết quả trên máy đo nồng độ cồn, anh T. còn được một CSGT cho xem lại kết quả được in ra phiếu ngay tại chỗ, kẹp vào biên bản vi phạm hành chính. Trong thời gian 7 ngày, anh T. phải mang biên bản này tới trụ sở Đội CSGT số 4 để nhận quyết định xử phạt và tới kho bạc nộp phạt trước khi lấy lại giấy phép lái xe bị tạm giữ.
Nên tự giác chấp hành
Chỉ trong thời gian từ 12 giờ đến 14 giờ ngày 7-9 đã có hơn 10 trường hợp vi phạm bị Đội CSGT lập biên bản vi phạm. Một số người điều khiển xe máy sau khi thổi vào máy đo nồng độ cồn nhưng chưa đến mức xử phạt đã được các CSGT nhắc nhở. Trung tá Vũ Văn Ngoại cho biết trong ngày 6-9, Đội CSGT đã xử phạt đối với 16 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển ô tô, xe máy. Tuy nhiên, trong số này chưa có trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn tới mức phải tạm giữ phương tiện.
Thực hiện theo kế hoạch Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67 - Bộ Công an), cho biết chuyên đề trọng tâm của Tháng An toàn giao thông năm 2011 là “Phòng chống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. C67 đã cử 6 đội hỗ trợ nghiệp vụ tới các địa phương được xác định là trọng điểm về nguy cơ mất an toàn giao thông như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng,… để phối hợp xử lý. Ông Sơn cũng cho biết việc tuần tra, kiểm soát, kiểm tra nồng độ cồn phụ thuộc vào kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, dựa trên tình hình thực tế của các địa phương chứ không phải lúc nào cũng túc trực tại các quán bia, rượu. |
Bình luận (0)