xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ưu ái Lý Nhã Kỳ, 3 người bị phạt

TÔ HÀ

Liên quan đến vụ cựu đại sứ du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ vào khoang lái của một chuyến bay và chụp ảnh, 3 nhân viên của Vietnam Airlines bị kỷ luật, trong đó có cơ trưởng và cơ phó

Trong khi toàn ngành GTVT đang triển khai quyết liệt các biện pháp thực hiện “Năm An toàn giao thông”, 2 phi công của Vietnam Airlines (VNA) đã làm hỏng những nỗ lực này khi cho phép hành khách Lý Nhã Kỳ lên buồng lái máy bay giao lưu, chụp ảnh, bất chấp các quy định khắt khe của ngành.

img
Lý Nhã Kỳ trong buồng lái máy bay. Ảnh: TINMOI.VN

Đưa mũ, nhường ghế phi công cho người đẹp

Trên chuyến bay VN 595 của VNA từ Hồng Kông đi TPHCM có hành khách Lý Nhã Kỳ - cựu đại sứ du lịch Việt Nam. Lúc máy bay đạt độ cao ổn định, khi trò chuyện, chụp ảnh với tổ tiếp viên đang phục vụ ở khoang hành khách, Lý Nhã Kỳ bảo rằng cô muốn giao lưu với tổ lái để tìm hiểu sự vất vả của họ.

Sau 3 lần người đẹp năn nỉ, tiếp viên trưởng Lâm Quang Tiến dùng điện thoại hỏi ý kiến cơ trưởng về đề nghị của nữ hành khách này. Nghe nói có đại sứ du lịch muốn giao lưu, người chỉ huy chuyến bay hôm đó - cơ trưởng Nguyễn Ngọc Như Ý - đã hội ý với cơ phó Nguyễn Xuân Hải và quyết định cho người đẹp lên khoang lái.
Lúc này, máy bay đang được đặt chế độ lái tự động và theo quy định, phi công vẫn phải ngồi ở vị trí quan sát, điều khiển máy bay. Tuy nhiên, cả 2 phi công đã quay sang giao lưu trò chuyện, chụp ảnh với Lý Nhã Kỳ. Thậm chí, cơ trưởng và cơ phó còn đưa mũ, nhường ghế phi công để người đẹp ngồi vào vị trí người lái và chụp ảnh.

Sau đó, vụ này đã không được tổ bay báo cáo lại trong nhật ký vì cơ trưởng không ý thức được đó là hành vi uy hiếp an toàn bay.Những bức ảnh này sau đó được “khoe” trên Facebook cá nhân của Lý Nhã Kỳ và nhanh chóng gỡ xuống khi bị cư dân mạng “ném đá”. Khi đó, lãnh đạo VNA biết vụ việc, yêu cầu giải trình, làm kiểm điểm, đình chỉ ngay công việc của cơ trưởng Nguyễn Ngọc Như Ý, cơ phó Nguyễn Xuân Hải và báo cáo Cục Hàng không.

img
Lý Nhã Kỳ chụp hình với tiếp viên Vietnam Airlines trên máy bay Ảnh: TINMOI.VN

Không có vi phạm nào là nhỏ

Thanh tra Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) ngày 7-5 đã triệu tập 4 người, gồm hành khách Lý Nhã Kỳ, cơ trưởng, cơ phó và tiếp viên trưởng để làm rõ vụ việc. Đến ngày 10-5, Chánh Thanh tra Hàng không Nguyễn Trọng Thắng đã ra quyết định xử phạt đối với 3 nhân viên hàng không. Riêng hành khách Lý Nhã Kỳ lên buồng lái được sự đồng ý của cơ trưởng nên vô can.
Cơ trưởng Nguyễn Ngọc Như Ý bị phạt 7 triệu đồng và tước giấy phép lái máy bay 30 ngày do thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình gây uy hiếp an toàn hàng không, cho người vào buồng lái không đúng quy định. Cơ phó Nguyễn Xuân Hải bị phạt 3 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái máy bay 30 ngày vì thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình gây uy hiếp an toàn hàng không.
Tiếp viên trưởng Lâm Quang Tiến bị phạt 750.000 đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề tiếp viên hàng không 30 ngày vì thực hiện nhiệm vụ không đúng theo chứng chỉ chuyên môn đã được cấp.
Liên quan đến vụ này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho rằng ý thức tuân thủ của tổ bay thấp và đáng buồn lại xảy ra trong lúc ngành hàng không triển khai “Năm Văn hóa an toàn hàng không”. “Một trong những nội dung quan trọng để nâng cao văn hóa an toàn hàng không là không có vi phạm nào là nhỏ. Một sai phạm bất kỳ đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với hàng trăm hành khách và tài sản lớn. Việc để một hành khách vào cabin, ngồi vào vị trí của người lái rõ ràng là có khả năng uy hiếp an toàn bay nhưng phi công đã không ý thức được điều này” - ông Thanh phân tích.

Lơ là an toàn bay

Một lãnh đạo cấp phòng của Cục Hàng không Việt Nam cho biết trên một chuyến bay của VNA từ Bangkok về Hà Nội hôm 4-5, ông chứng kiến một nữ hành khách thoải mái sử dụng ĐTDĐ trong lúc cất cánh nhưng không bị tiếp viên nhắc nhở. Đến khi có một hành khách khác phản ứng dữ dội, tiếp viên chuyến bay mới nhắc nhở. Khi máy bay hạ cánh, hành khách này lại sử dụng điện thoại nhưng tiếp viên vẫn không ngăn cản, buộc ông phải nhấn chuông gọi tiếp viên yêu cầu lập biên bản. Đến lúc đó, tiếp viên còn chống chế rằng hành khách để điện thoại ở “chế độ trên máy bay”, tức là bản thân tiếp viên cũng không nắm được quy định an toàn bay.

Trước đây, Cục Hàng không Việt Nam từng nhận được thư phản ánh của hành khách khi ông này chứng kiến tổ lái cho người lạ vào cabin trên một chuyến bay của Jetstar Pacific Airlines (JPA). Sau đó, nhà chức trách đã xác minh được “người lạ” chính là tiếp viên của hãng nhưng không mặc đồng phục. Từ đó, JPA phải chuẩn hóa lại quy trình.

Theo quy định của ngành hàng không, chỉ có thành viên tổ lái, người có thẻ ngành và nhà chức trách hàng không đi làm nhiệm vụ mới được phép ra/vào cabin máy bay.

VNA cho biết tổ lái của chuyến bay liên quan đã bị đình chỉ công tác từ ngày 25-4, một ngày sau khi thông tin này được các trang mạng đăng tải. Quan điểm của VNA là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay. Các cá nhân vi phạm trong lĩnh vực an toàn, an ninh hàng không sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo