Ngày 4-4, ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy ban sông Mê Kông (MRC), cho biết MRC vừa nhận được báo cáo nghiên cứu của Việt Nam (còn gọi là nghiên cứu đồng bằng) từ Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, ĐBSCL là nơi trú ngụ của hơn 20 triệu người và chiếm hơn 50% sản lượng gạo, cây ăn trái ở Việt Nam.
Một kết luận 94 trang kèm 2 quyển (800 trang) báo cáo là kết quả của hơn 30 tháng nghiên cứu, đã chỉ ra rằng 11 đập dự kiến xây dựng ở hạ nguồn sông Mê Kông sẽ tác động đến môi trường, xã hội và hệ thống kinh tế của vùng hạ lưu, đặc biệt là ĐBSCL. Kết luận của nghiên cứu kiến nghị rằng nếu không có phương án giảm thiểu nào được thực hiện, các dự án trên dòng chính sẽ gây ra tác động rất lớn cho các vùng chủ lực và tài nguyên - môi trường của Campuchia và Việt Nam. Nghiên cứu này do Viện Thủy lực Đan Mạch cùng các chuyên gia Việt Nam thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia Lào và Campuchia ở giai đoạn hoàn thành do MRC cung cấp dữ liệu nền.
Theo ông Phan, MRC sẽ bổ cập kết quả nghiên cứu của Việt Nam về tác động của phát triển thủy điện trên sông Mê Kông trong nghiên cứu ưu tiên của MRC về phát triển bền vững toàn vùng. Nghiên cứu hội đồng hay chính là nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Kông bao gồm tác động của dự án thủy điện dòng chính, là nghiên cứu ưu tiên của MRC được thực hiện bởi hội đồng ủy hội vào cuối năm 2011.
Nó đánh giá việc nguồn nước bị thay đổi sẽ tác động như thế nào đến lưu vực trong nhiều bối cảnh phát triển khác nhau bao gồm thủy điện, hệ thống tưới tiêu, nông nghiệp, chống lũ và giao thông thủy. Cùng với nghiên cứu đồng bằng, nghiên cứu của ủy hội được hy vọng sẽ cung cấp dữ liệu khoa học nền để nhận thức tốt hơn về những hiểm nguy tiềm ẩn và lợi ích của phát triển ở hạ nguồn. Nghiên cứu hội đồng dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017.
Bình luận (0)