Đầu tư ngoài ngành gây thất thoát hơn ngàn tỉ đồng trong khi lại lo vỡ quỹ và đề xuất tăng tuổi hưu để cứu..., những vấn đề này đã được các đại biểu Quốc hội phân tích, mổ xẻ tại phiên thảo luận tổ chiều 29-5 về dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Từ phiên thảo luận, rất nhiều bất cập trong chính sách BHXH ở nước ta đã lộ diện.
Lý do vì lo vỡ Quỹ BHXH nên đề xuất tăng tuổi hưu vẻ như không hợp lý và không nhận được sự đồng thuận từ số đông các nhà làm luật. Phía ban soạn thảo không nêu được cơ sở biện chứng để thuyết phục rằng năm 2034, Quỹ BHXH sẽ vỡ. Trong khi đó, những yếu kém của BHXH đều rất dễ thấy. Cụ thể: Số tiền nợ BHXH tính đến ngày 30-4-2014 đã lên tới 12.451 tỉ đồng; cả nước còn hơn 5 triệu người lao động (trong tổng số 16 triệu người đang làm việc) chưa tham gia BHXH bắt buộc, tương ứng với số thu BHXH, BHYT khoảng 56.000 tỉ đồng/năm. Đây chính là hai nguồn thất thoát lớn ảnh hưởng trực tiếp đến Quỹ BHXH, đồng nghĩa rằng quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một trong những nguyên nhân gây thất thoát tiền BHXH là tình trạng doanh nghiệp nợ đọng và trốn đóng BHXH ngày càng nhiều. Nếu thu đúng, thu đủ được thì làm sao phải lo vỡ quỹ? Trong chuyện này, ngoài lý do doanh nghiệp chây ì hoặc cố tình chiếm dụng và BHXH thiếu sâu sát trong thanh - kiểm tra còn có nguyên nhân sơ hở của pháp luật. Chế tài đối với hành vi trốn đóng BHXH hiện chưa được quy định tại Bộ Luật Hình sự. Riêng BHXH TP HCM từ năm 2012 đến nay đã khởi kiện 1.200 doanh nghiệp trốn, nợ đóng BHXH cho người lao động nhưng trong số đó rất nhiều vụ dù tòa ra phán quyết buộc doanh nghiệp trả nợ song đều khó thu hồi. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này, theo đại biểu Trần Thanh Hải (TP HCM), cũng chưa đưa ra được chế tài đối với trường hợp người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm hoặc lợi dụng để chiếm đoạt tiền BHXH. Có đại biểu đề xuất nên quy định thu bảo hiểm như thu thuế, đến tháng không đóng thì phải khấu trừ ngay tại ngân hàng, ngay cả khi doanh nghiệp phá sản cũng vẫn đòi được. Đó là một gợi ý hay dành cho ban soạn thảo dự luật.
Với một đạo luật có tác động xã hội lớn như BHXH, rất cần sự chặt chẽ, công bằng. Nếu Luật BHXH sửa đổi được thông qua mà không vá được những lỗ hổng đó thì tiền BHXH sẽ còn thất thoát, quyền lợi người lao động còn bị xâm hại… Khắc phục được tình trạng đó hay không, tùy thuộc vào năng lực, tầm nhìn và tâm huyết của các nhà làm luật.
Bình luận (0)