Trong tháng 9 và 10 sẽ có 9,1 triệu trẻ từ 1-5 tuổi (không phân biệt hộ khẩu thường trú hay tạm trú) được tiêm chủng vắc-xin sởi, Rubella. Mục tiêu của chiến dịch là phấn đấu đạt tỉ lệ trên 95% trẻ trong độ tuổi được tiêm vắc-xin “2 trong 1” này. Đây là chiến dịch tiêm chủng toàn quốc có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Chiến dịch được thực hiện theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới với sự tài trợ của Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng.
Sẵn sàng cho chiến dịch lớn
Tại buổi họp báo sáng 19-9 về chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi, Rubella, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đây là chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay với 23 triệu trẻ trong độ tuổi 1-14. Do đó, công tác chuẩn bị được thực hiện rất kỹ. Chiến dịch sẽ không thực hiện đồng loạt vào một thời điểm mà triển khai thành 3 đợt: đợt 1 (từ ngày 10 đến 30-10): tiêm cho trẻ từ 1-5 tuổi (SN 2009 đến 31-8-2013, độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo); đợt 2 (từ ngày 17-11 đến 4-12): trẻ từ 6-10 tuổi (SN 2004 - 2008, học sinh tiểu học) và đợt 3 (từ ngày 15-1 đến 4-2-2015): trẻ từ 10-14 tuổi (SN 2000-2003, học sinh THCS).
Trong đợt tiêm chủng đầu tiên từ ngày 5-9 đến hết tháng 10 sẽ có 9,1 triệu trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm miễn phí vắc-xin “2 trong 1” này. Chiến dịch được triển khai theo phương thức “cuốn chiếu” từng đợt, theo địa bàn xã, phường, thị trấn và không lồng ghép với các hoạt động tiêm chủng khác.
“Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương mở màn chiến dịch thực hiện tốt việc rà soát đối tượng trong độ tuổi, không bỏ sót đối tượng, đặc biệt là chú trọng tổ chức các điểm tiêm lưu động để phục vụ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, tránh để tồn tại các “vùng lõm” tiêm chủng. Hiện việc tập huấn về an toàn tiêm chủng như khám phân loại bệnh trước tiêm, công tác tiêm chủng, bảo quản vắc-xin, chống sốc và xử lý chống sốc sau tiêm… cho cán bộ y tế các cấp đã hoàn tất” - ông Phu nói.
Khẳng định về tính an toàn của vắc-xin “2 trong 1” sởi, Rubella, GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết đây là vắc-xin sống giảm độc lực, dạng đông khô. Kinh nghiệm từ 39 nước sử dụng trên thế giới với tổng số hơn 600 triệu liều cho kết quả rất an toàn. Các phản ứng sau tiêm được ghi nhận là nhẹ như sốt, đau tại chỗ tiêm.
“Đến thời điểm này, chiến dịch đã được triển khai tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk và TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với khoảng 28.000 trẻ được tiêm trong 4 ngày (từ ngày 15 đến 18-9). Ngoài 8 trường hợp có phản ứng sốt nhẹ sau tiêm trong ngày đầu tiên, tất cả đều an toàn, không xảy ra phản ứng nặng” - GS Nguyễn Trần Hiển thông tin thêm.
Siết quy trình khám sàng lọc
Theo GS Nguyễn Trần Hiển, chiến dịch tiêm vắc-xin sởi, Rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi xuất phát từ thực tế là mặc dù Việt Nam đã triển khai tiêm chủng vắc-xin sởi, Rubella nhưng những năm gần đây vẫn có hàng chục ngàn trường hợp mắc bệnh. Do đó, mục tiêu của chiến dịch này là phấn đấu đạt tỉ lệ trên 95% trẻ từ 1-14 tuổi được tiêm vắc-xin sởi, Rubela, không bỏ sót đối tượng chưa tiêm.
Trước những lo ngại về việc tiêm thừa vắc-xin, GS Hiển khuyến cáo với những trẻ đã được tiêm sởi, Rubella trước đây, việc tiêm chủng sởi, Rubella lần này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà chỉ củng cố thêm miễn dịch. Đặc biệt, vắc-xin này giúp trẻ ngừa được bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch, đồng thời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu tiêm chủng đầy đủ, hiệu quả bảo vệ sẽ đạt trên 95%.
Tuy vậy, với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất này, các chuyên gia dịch tễ cũng lo ngại không loại trừ việc xảy ra phản ứng nặng sau tiêm, nhất là các tai biến do bệnh lý trùng lặp ngẫu nhiên. Do đó, theo GS Hiển, phải thực hiện nghiêm túc quy trình khám sàng lọc để loại trừ bệnh sẵn có của trẻ. Đồng thời, khai thác tiền sử tiêm vắc-xin của trẻ, dị ứng với thực phẩm, thuốc… để tránh hiện tượng phản ứng với thành phần vắc-xin. Ngoài việc chuẩn bị sẵn các phương tiện chống sốc, các đội chống sốc lưu động phải luôn ở trạng thái sẵn sàng, kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế.
Từ chối cũng đành chịu!
Trả lời câu hỏi về việc các bậc cha mẹ từ chối cho con tiêm chủng vắc-xin sởi, Rubella, PGS-TS Trần Đắc Phu cho hay mặc dù là chiến dịch tiêm chủng bắt buộc nhưng việc người dân từ chối thì cũng đành chấp nhận. Vấn đề là phải làm sao giúp các bậc cha mẹ thấy rõ lợi ích của việc tiêm chủng đối với sức khỏe con trẻ. Với thành phố lớn, nơi mà người dân có điều kiện cho con cái tiêm chủng dịch vụ vắc-xin sởi - quai bị - Rubella, người dân nên cho con tiêm nhắc lại trừ những trường hợp đã được tiêm vắc-xin trong vòng 1 tháng trước đó.
Từ thực tế vận động người dân ở Hà Nội đưa con đi tiêm chủng vắc-xin “2 trong 1” này, bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Hà Nội, cho biết tối 18-9,một cán bộ y tế phường phàn nàn về việc đi đến 10 hộ dân thì có tới 3 hộ không hợp tác với lý do con đã tiêm đầy đủ hoặc từ chối tiêm miễn phí và muốn tự lo việc tiêm cho con. Theo ông Cảm, với chiến dịch tiên chủng lần này, tất cả trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng, dù có hay không có hộ khẩu trên địa bàn Hà Nội, khi đến trạm y tế phường tiêm đều phải được tiêm chủng miễn phí.
Bình luận (0)