Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình và nâng chất lượng tăng trưởng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển TP nhanh và bền vững, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh... Đây là những tiêu chí quan trọng được lãnh đạo UBND TPHCM đặt ra và thể hiện rõ trong tờ trình gửi HĐND TP về “Dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, sau hơn 2 năm soạn thảo và hoàn chỉnh.
Xa lộ Hà Nội tiếp tục được mở rộng. Ảnh: TẤN THẠNH
Phát triển theo mô hình tập trung - đa cực
TP cũng quy hoạch một số phân khu chức năng: khu nội thành hiện hữu gồm 13 quận nội thành có diện tích khoảng 14.200 ha (quy mô dân số đến năm 2025 khoảng 4,5 triệu người); khu nội thành phát triển gồm 6 quận mới với diện tích khoảng 35.200 ha (quy mô dân số đến năm 2025 khoảng 2,9 triệu người); các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu đô thị mới tại địa bàn ngoại thành gồm 5 huyện với diện tích khoảng 160.200 ha (quy mô dân số dự kiến đến năm 2025 khoảng 2,6 triệu người); các khu, cụm công nghiệp tập trung gồm 1 khu công nghệ cao, 20 KCN tập trung, KCX và cụm công nghiệp địa phương với quy mô 8.792 ha.
Cùng với tổ chức không gian lãnh thổ cho khu vực đô thị, TPHCM cũng tập trung đầu tư xây dựng các điểm dân cư nông thôn theo mô hình nông thôn mới để tạo động lực phát triển cho các huyện ngoại thành. Trong đó, TP ưu tiên phát triển 2 khu đô thị mới với quy mô lớn là khu đô thị Tây -Bắc tại huyện Củ Chi và Hóc Môn, có quy mô 6.000 ha và khu đô thị - cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè có quy mô khoảng 3.900 ha.
Chủ đạo vẫn là xe buýt, từng bước hình thành metro
TPHCM xác định mạng lưới giao thông được tập trung phát triển nối liền các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các KCN, các công trình đầu mối giao thông liên vùng, gắn kết chặt với các tỉnh trong vùng đô thị TPHCM để hỗ trợ nhau phát triển đồng bộ, khai thác tốt nhất thế mạnh kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Cần khoảng 9 triệu tỉ đồng
Đó là tổng số vốn đầu tư xã hội mà TPHCM cần có để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 là khoảng 1,3-1,4 triệu tỉ đồng (vốn ngân sách chiếm khoảng 12%); giai đoạn 2016-2020 là từ 2,7-3 triệu tỉ đồng (vốn ngân sách khoảng 10%) và giai đoạn 2021-2025 là từ 5-5,6 triệu tỉ đồng (vốn ngân sách khoảng 8%).
Theo UBND TPHCM, để có nguồn vốn đầu tư khổng lồ này, TP sẽ phải huy động từ nhiều phía. Trong đó, vốn từ thành phần kinh tế Nhà nước chiếm 25%-35%; vốn từ thành phần kinh tế ngoài Nhà nước chiếm từ 50%-55% và vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 15%-25%.
Ngoài những giải pháp về huy động vốn đầu tư, TPHCM thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT, PPP…, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hiệu quả kết cấu hạ tầng, chú trọng khai thác nguồn vốn ODA.
TP cũng thực hiện một số giải pháp khác như phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa hiện đại hóa; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp về bảo vệ tài nguyên và môi trường. Bên cạnh những giải pháp mang tính nội lực, UBND TP cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương hoàn thiện cơ chế, chính sách, phân cấp mạnh hơn cho TP, cho phép TP thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hay quy định hiện hành của Nhà nước.
GDP cao hơn 1,5 lần cả nước Một trong những mục tiêu quan trọng được nêu trong dự án là mục tiêu kinh tế. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TP bình quân trong giai đoạn 2011-2015 đạt từ 10%-10,5%/năm trở lên; giai đoạn 2016-2020 đạt từ 9,5%-10%/năm và giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8,5%-9%/năm. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt từ 4.856-4.967 USD; năm 2020 đạt từ 8.430-8.822 USD; đến năm 2025 đạt từ 13.340-14.285 USD. GDP bình quân thời kỳ 2011-2020 cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước. |
An sinh xã hội bao phủ toàn dân Quy mô dân số TPHCM đến năm 2015 đạt 8,2 triệu người, đến năm 2020 đạt 9,2 triệu người và đến năm 2025 đạt 10 triệu người (không kể khách vãng lai và người tạm trú dưới 6 tháng). TPHCM sẽ bảo đảm chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội, mức sống tiệm cận với mức lương tối thiểu; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản bảo đảm an sinh xã hội bao phủ toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin. |
Bình luận (0)