xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vài người gây rối, hành khách bị vạ lây

Bài và ảnh: Tô Hà

Hàng loạt nguyên nhân, trong đó nổi lên tình trạng vài người đi máy bay thiếu ý thức, dẫn đến chậm chuyến bay hàng giờ và hành khách phải rước lấy sự phiền phức, bực mình, thậm chí bị thiệt hại mà không được bồi thường

Bộ Giao thông Vận tải đang giao Cục Hàng không Việt Nam làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm chuyến bay (delay) để có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đây là việc khó bởi có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến chậm chuyến bay. Trong đó, một vấn đề mới phát sinh đang làm đau đầu cả nhà chức trách lẫn hãng hàng không là do ý thức của hành khách.

Hồn nhiên... vi phạm

Đại diện hãng hàng không Vietjet (VJ) cho biết gần đây rộ lên tình trạng khách gian lận cước hành lý ký gửi. “Kinh nghiệm” được khách rỉ tai nhau khi đi máy bay giá rẻ là tại quầy check in chỉ đem hành lý đúng quy định, sau đó nhồi nhét thêm. Hiện tượng này buộc hãng phải bổ sung quy định kiểm tra lại hành lý khi có nghi ngờ tại cửa ra máy bay và thế là xảy ra mâu thuẫn, nhẹ thì cự cãi, nặng thì khách thẳng tay đánh nhân viên hàng không.

Hành khách làm thủ tục đi máy bay tại sân bay Nội Bài
Hành khách làm thủ tục đi máy bay tại sân bay Nội Bài

Mới đây, trên chuyến bay VJ8901 từ TP HCM đi Bangkok hôm 5-5, một hành khách 28 tuổi đã chửi nhân viên check in khi được nhắc nhở trọng lượng hành lý ký gửi quá quy định. Lên máy bay, hành khách này để hành lý dưới chân. Bị tiếp viên yêu cầu để đồ vào đúng chỗ, hành khách này mắng chửi, gây rối khiến cơ trưởng phải lập biên bản từ chối vận chuyển. Chuyến bay với gần 200 hành khách bị chậm hơn 1 giờ vì phải quay lại sân đỗ làm thủ tục cắt khách.

Tinh thần “hành khách là thượng đế, là ân nhân” cũng có khi gây ra tình trạng delay. Trước đó, trên một chuyến bay của VJ từ Thái Lan về Việt Nam, một nhóm khách không cho tiếp viên đứng ở cửa máy bay kiểm tra hộ chiếu, thẻ lên và còn mắng chửi với những lời lẽ khiếm nhã. Không hoàn thành thủ tục kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách, cơ trưởng đề nghị an ninh sân bay Bangkok áp giải nhóm này xuống, hậu quả là chuyến bay chậm cả giờ.

Sau đó, nhóm khách này nhận lỗi, nộp tiền để được bay chuyến kế tiếp nhưng khi về Việt Nam lại làm đơn xin trả lại phí đổi chuyến. Được hãng hãng không linh động trả lại tiền phạt, khách quay ra đòi kiện với lý do “chúng tôi không sai thì tại sao hãng đồng ý trả lại tiền?”!

Theo một cán bộ Trung tâm Khai thác mặt đất Tân Sơn Nhất của Hãng Hàng không Việt Nam (VNA), máy bay chậm giờ lâu nhất và gây ảnh hưởng dây chuyền lớn nhất là các trường hợp khách mở cửa thoát hiểm, dọa bom.

“Đối tượng vi phạm có khi là sinh viên muốn mở cửa để hưởng khí trời, người già muốn đi vệ sinh, có người muốn xuống cho nhanh hoặc do tò mò... Nếu khách mở cửa thoát hiểm làm bung phao trượt, hãng phải cho thợ máy lắp lại cửa, cuộn phao trượt... Nếu máy bay loại mới, không lắp lại được phao trượt thì phải điều máy bay khác thay thế và cần ít nhất 1 giờ rưỡi” - vị này cho biết.

Trường hợp khách dọa bom thì còn phức tạp. Theo quy định, dù dấu hiệu chỉ là nói đùa cũng phải dừng ngay việc khai thác và triển khai đúng quy trình bảo đảm an ninh hàng không, bao gồm việc cách ly ngay khách dọa bom cùng hành lý, đưa toàn bộ hành khách xuống để lục soát máy bay tìm chất nổ. Trường hợp nghi ngờ ở cấp độ cao, máy bay phải được kéo ra bãi đỗ xa nhà ga để lục soát. “Nạn nhân” là hành khách thường phải quay lại ga đợi khoảng 3-4 giờ.

“Đáng nói là trong các trường hợp dọa bom, có hành khách nữ chỉ vì muốn đùa với tiếp viên nam. Hy hữu nhất là có học viên phi công của VNA bay với thầy, qua cửa soi chiếu an ninh nội bộ đã chỉ vào vali kéo của mình rồi nói “trong này có bom đấy” - một cán bộ VNA dẫn chứng.

Chế tài chưa đủ răn đe

Bên cạnh đó, ngành hàng không còn bó tay trước những hành khách bỗng dưng… không muốn bay, chỉ vì một cú điện thoại là sẵn sàng đòi xuống.

Trên một chuyến bay của VJ năm 2014, 180 hành khách bị vạ lây vì một cô gái một mực đòi xuống sau khi nghe điện thoại. Tiếp viên và đích thân cơ trưởng khuyên nếu không vì lý do quá đặc biệt thì nên tiếp tục hành trình để không ảnh hưởng đến cả chuyến bay nhưng vị khách này nhất định đòi xuống. Cơ trưởng buộc phải đáp ứng yêu cầu và phải tiến hành hàng loạt thủ tục khiến chuyến bay chậm hơn 1 giờ...

Theo các hãng hàng không, hiện chế tài xử phạt vi phạm hành chính các hành vi gây rối trên chuyến bay còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm và không thấm gì so với thiệt hại kinh tế của hãng và hành khách đi cùng. Cụ thể, hành vi mở cửa thoát hiểm trái quy định có khung phạt 10-20 triệu đồng trong khi hãng thiệt hại cả trăm triệu đồng, dọa bom thì khung phạt chỉ 10-30 triệu đồng.

“Hành khách thiệt hại về thời gian nhưng không được bồi thường chậm chuyến vì nguyên nhân delay không phải do hãng vận chuyển” - đại diện một hãng hàng không giải thích.

Bỗng dưng... không muốn bay

Hứng chịu hậu quả nhiều nhất của tình trạng hành khách bỗng dưng… không muốn bay là VNA, do khách không bay thì vé vẫn còn giá trị sử dụng (nếu không phải vé siêu tiết kiệm). Trước đây, VNA đề xuất đối với khách đã hoàn tất thủ tục bay nhưng không đi thì vé hết hiệu lực nhưng không được chấp thuận vì vấn đề này chưa được quy định trong các văn bản pháp luật và không đồng nhất với quy định của Hiệp hội Hàng không dân dụng quốc tế.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo