Nhiều đại biểu Quốc hội (QH) bày tỏ quan ngại trước báo cáo của Chính phủ về việc ngân sách 2015 sẽ còn khó khăn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương.
Chi thường xuyên tăng vọt
Về đề xuất “tiết kiệm chi để dành tiền tăng lương tối thiểu”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển, cho rằng: “Tiết kiệm cũng được nhưng cũng chỉ đến một giới hạn nào mà không thể tiết kiệm hơn được nữa. Ví dụ, chúng ta tiết kiệm chi 10% thì tổng số đó cũng chỉ được khoảng 6.000 tỉ đồng, trong khi nếu chỉ tăng lương 100.000 đồng/người thì phải cần đến hơn 40.000 tỉ đồng”.
Cùng quan điểm, ông Bùi Đình Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng tăng lương vào lúc này là “đòi hỏi quá lớn” vì số người hưởng lương và chế độ chính sách từ ngân sách nhà nước là “khổng lồ”. Cụ thể, số cán bộ công chức gần 700.000 người nhưng tổng số hưởng lương từ ngân sách nhà nước, liên quan ngân sách nhà nước lại hơn 8 triệu người. Vì thế, để cải cách tiền lương thì phải có số tiền rất lớn. Theo ông Thụ, ở lần điều chỉnh lương trước đó, từ 930.000 đồng lên 1.150.000 đồng thì đã chi thêm trên 44.000 tỉ đồng/năm. “Nếu cải cách tiền lương thì chắc chắn bội chi ngân sách sẽ lớn hơn và nợ công từ năm 2015 sẽ vượt trần. Nếu không có nguồn bảo đảm thì sẽ dẫn đến chính sách treo, tệ hơn, nợ công tăng vượt trần” - ông Thụ cảnh báo.
Làm rõ thêm “sức khỏe” tài chính quốc gia, ông Bùi Đình Thụ cho biết năm vừa qua, nguồn thu có tốc độ tăng tương đối cao nhưng mới đạt 911.000 tỉ đồng còn chi ngân sách nhà nước tăng hơn 1,1 triệu tỉ đồng, dẫn đến bội chi ngân sách là 226.000 tỉ đồng.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đại biểu QH TP HCM - mổ xẻ: Trong chi ngân sách (thường xuyên, trả nợ, đầu tư phát triển) trước năm 2011, chi thường xuyên chỉ chiếm 50%-55%, hiện nay lên đến 65%-70%. Trong khi đó, chi đầu tư phát triển giảm dần nhưng lại không hiệu quả. Theo ông Ngân, muốn làm sáng bức tranh chi, cần khẩn trương có văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. “Tôi cho rằng hoàn toàn có khả năng giảm tỉ trọng chi thường xuyên nhưng phải có quyết tâm chính trị rất lớn; đồng thời, chi đầu tư phát triển cũng phải sớm sinh lời để mang lại hiệu quả, đóng góp vào phần chi ngân sách” - ông Ngân nhấn mạnh.
Ưu tiên cho người thu nhập thấp, diện khó khăn
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng tiền lương được xác định là một trong những yếu tố làm tăng năng suất lao động, đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người, cho phát triển. “Nếu có điều kiện thì nâng lương cho cán bộ công chức để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu và xóa đói giảm nghèo bền vững” - ông Lợi kiến nghị.
Theo ông Lợi, với lý do không thể cân đối thu - chi để tăng lương, nhiều mặt của xã hội sẽ bị tác động. Vì vậy, tăng lương cần ưu tiên hàng đầu. Ông Lợi gợi ý trước mắt không thể tăng dàn trải thì tăng một số nhóm công chức bộ máy chính quyền, lực lượng vũ trang. “Muốn có nguồn để tăng tiền lương thì phải gấp gáp cải cách bộ máy, giảm biên chế, phân định rõ khu vực công chức nhà nước với khu vực đơn vị công, đơn vị sự nghiệp. “Nhanh chóng chuyển khu vực đơn vị công, đơn vị sự nghiệp sang hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự cân đối tiền lương trên cơ sở tự kinh doanh, tạo nguồn thu. Phương án này đã có nghị quyết, quy định của Chính phủ” - ông Lợi đề xuất.
Ủng hộ quan điểm này, ông Bùi Đình Thụ cho rằng trước mắt, nếu có thể tăng lương thì chỉ nên tập trung vào đối tượng về hưu, nhất là những người nghỉ hưu đã lâu có mức lương rất thấp và chế độ hưởng phụ cấp ở một số ngành đặc thù. Đối tượng thứ hai có thể tăng lương là bộ máy công quyền nhưng trước tiên, đối với cán bộ công chức có thể không tăng nhưng tính đến phụ cấp công vụ trực tiếp cho một số đối tượng.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, không nên lùi thời gian tăng lương tối thiểu cho người lao động. Ông Ngân phân tích trong các khoản chi ngân sách hiện nay có tới 67% dành cho chi thường xuyên. “Nếu chúng ta chắt chiu, tiết giảm các khoản không cần thiết, như chi cho tổ chức lễ hội, tiếp khách... thì có thể tiết kiệm, dành chi trả lương” - ông Ngân nói.
Chia sẻ với thế khó mà Bộ Tài chính giãi bày “không còn nguồn nào dành cho chi tăng lương, bởi vượt thu thì cũng dành để trả nợ”, ông Trần Hoàng Ngân đề nghị: “Không thể tăng toàn bộ thì cũng có thể tính tới phương án tăng từng phần theo từng đối tượng ưu tiên với tỉ lệ tăng khác nhau. Trong đợt đầu tiên, có thể ưu tiên tăng lương cho người lao động có thu nhập thấp, dưới 5 triệu đồng/tháng. Còn với đối tượng thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng có thể xét tăng sau. Ứng với từng nhóm cụ thể sẽ có tỉ lệ tăng lương khác nhau, dao động từ 2%-5%”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Ngân, nếu thực hiện theo phương án này thì phải sắp xếp lại lao động vì hiện trong cùng bộ máy nhà nước cũng có những công việc, vị trí có lương hằng tháng khá thấp, như y tá, giáo viên… Ngược lại, có những vị trí thu nhập lại rất cao. Vì thế, phải kéo gần hơn khoảng cách chênh lệch về thu nhập.
Về lo ngại tăng lương cho người thu nhập thấp trước có phá vỡ hệ thống thang, bảng lương hiện nay, ông Ngân cho rằng từ tình thế này cho thấy phải đồng thời xem xét lại toàn bộ hệ thống thang, bảng lương cho phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước đang sửa đổi để đạt mục tiêu nâng cao đời sống người lao động. “Không thể phủ nhận thực tế đang tồn tại là khoảng cách giàu - nghèo hiện khá lớn” - ông Ngân nhận định.
Có thể tăng thu từ nội địa
Về bồi đắp thêm nguồn thu, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho biết đến nay, nguồn thu duy nhất có thể tăng là thu nội địa. Cụ thể là thu từ doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó doanh nghiệp FDI còn rất lớn.
Bình luận (0)