Với hơn 600 đại biểu quốc tế, 400 đại biểu VN, đa phần là các chủ tịch, phó chủ tịch, giám đốc điều hành doanh nghiệp (DN) và 70% trong số này đến từ khu vực dịch vụ hàng hoá và dịch vụ tài chính, Diễn đàn xúc tiến Thương mại và Đầu tư với VN năm 2006 đã diễn ra sôi nổi trong trọn ngày hôm qua, 16-11, tại Hội trường chính Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC). Đây là hội nghị đầu tư lớn nhất VN từ trước đến nay.
Năm lợi thế và sự chủ động hội nhập
Phát biểu trước các nhà đầu tư, trong đó 41% đại biểu đã và đang hoạt động kinh doanh tại VN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rõ 5 lợi thế của VN: bờ biển dài, nguồn nhân lực trẻ, cần cù, năng động và trình độ khá; đường lối đổi mới thành công, tăng trưởng liên tục ở mức cao; chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường và hội nhập có hiệu quả cao; chính trị, xã hội ổn định và nền dân chủ đang phát triển tốt đẹp và ngày được tăng cường; đối tác tin cậy của các quốc gia, các dân tộc. Vì thế, Thủ tướng nói rằng với những đặc điểm thuận lợi kể trên, VN là điểm đến đầu tư và thương mại thành công của các DN, các nhà đầu tư trong cộng đồng APEC và thế giới.
Các đại biểu ký hợp đồng hợp tác kinh doanh |
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: Việc VN chủ động lựa chọn con đường gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã là một thông điệp mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư. Việc mở rộng cổ phần hóa các DN nhà nước, cải cách ngành tài chính, ngân hàng càng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào làm ăn tại VN.
Đào tạo nguồn nhân lực
Bốn phiên thảo luận sau đó với chủ đề rất sát sườn của VN - cải thiện môi trường kinh doanh thời kỳ hậu WTO; chiến lược phát triển và cạnh tranh trong WTO; phát triển dịch vụ tài chính VN hậu WTO, Cam kết của Việt Nam với WTO và cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư - làm diễn đàn sôi động hơn, nhất là khi có sự tham gia của bốn bộ trưởng chủ nhà: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển. Rất nhiều câu hỏi, thắc mắc được các đại biểu, nhất là từ các DN Mỹ và hiệp hội Mỹ, đặt ra cho các bộ trưởng và DN làm ăn tại VN, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.
Trong số này, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao được các đại biểu quan tâm nhất, đặc biệt là các DN lớn ở lĩnh vực công nghệ thông tin và chế tạo máy, dù họ đều đánh giá rất cao sự thông minh, trí tuệ và năng động của người VN. Diễn giả Thân Trọng Phúc, Tổng Giám đốc Intel VN và Đông Dương, chia sẻ điều này khi thừa nhận chất lượng đào tạo của các trường đại học VN chưa đáp ứng yêu cầu. Ông Derek Williams, Chủ tịch Oracle khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, cũng nhấn mạnh nguồn nhân lực tốt ở VN là một trong những yếu tố quan trọng để tập đoàn của ông phát triển. Tổng Giám đốc Chaker Chahrour của Bộ phận kinh doanh và thương mại động cơ máy bay của GE tại châu Á - Thái Bình Dương cũng đồng ý với quan điểm này.
Xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế
Các đại biểu và những chuyên viên kinh tế mong muốn cùng góp sức để đẩy mạnh cải cách giáo dục, tạo ra đại học có đẳng cấp quốc tế cả về số lượng và cho ra những ý tưởng tuyệt vời. Theo ông Thân Trọng Phúc, cách tốt nhất hiện nay là người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo phải kết hợp với sự đặt hàng của các công ty - như trường hợp Masushita và Canon có hợp đồng đào tạo với Đại học Bách khoa Hà Nội một cách ổn định. Ông Robert Davies, chủ tịch Diễn đàn doanh nhân quốc tế, cho rằng DN cũng cần có trách nhiệm giáo dục, đào tạo người lao động để VN có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Ngoài ra, các đại diện DN nước ngoài tại diễn đàn cũng quan tâm đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng ở VN, tính minh bạch trong kinh doanh và quảng bá hơn nữa cho du lịch VN.
Tám hợp đồng trị giá 2 tỉ USD Ngay sau phát biểu khai mạc Diễn đàn xúc tiến Thương mại và Đầu tư với VN vào trưa qua, 16-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh gồm 8 thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD. Trong số này, có các hợp đồng đáng chú ý sau: Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ về việc tăng cường, hỗ trợ cộng đồng DN và phát triển quan hệ thương mại VN - Hoa Kỳ; dự án BOT về nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2: chi phí đầu tư 1,4 tỉ USD giữa Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn AES Transpower (Mỹ) trong đó có phía AES đóng góp 90% vốn; dự án hợp tác phát triển khu du lịch và sân golf giữa Công ty TNHH Thung lũng Vua và Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) có giá trị 150 triệu USD; thỏa thuận hợp tác về việc cải tạo cảng Cái Lân giữa Vinalines và SSA Marine có giá trị 100 triệu USD; dự án thành lập công ty liên doanh giữa Tập đoàn Saigon Invest Group (VN) và V.S Industry Berhad (Malaysia) và V.S Internationl Group Ltd (Hongkong) với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; hợp đồng phân phối các sản phẩm dầu dùng cho động cơ ô tô VTV 24-7 giữa Công ty TNHH Trường Thịnh (Quảng Bình) với Công ty NRG (Mỹ) với giá trị trong 5 năm là 125 triệu USD... Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trao giấy phép kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ cho Tập đoàn ACE và Tập đoàn Liberty Mutual. |
Bình luận (0)