Công luận từ lâu đã lên tiếng về các đường dây tiêu cực, như chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy danh hiệu, chạy dự án, chạy kinh phí… Tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa 13), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bức xúc cho rằng dư luận phản ánh có chạy chức, chạy quyền, chạy việc, chạy ghế... Giám sát của Quốc hội phải làm rõ việc này, nhất là việc bổ nhiệm cán bộ có tiêu cực hay không?
Năm 2009, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố ông Nguyễn Văn Bỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Vĩnh Phúc, về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông này bị cáo buộc đã nhận tiền của một số đơn vị, cá nhân trong tỉnh với hứa hẹn “chạy” thành tích.
Hoàn toàn không bi quan và vơ đũa cả nắm nhưng với 63 tỉnh, thành, vài chục bộ ngành, hàng ngàn đơn vị thì khó tránh được chuyện như ở Vĩnh Phúc. Vì vậy, tôi đồng tình với đề xuất: Quy định trách nhiệm của cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ. Có cơ chế để người dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ.
Trong công tác cán bộ, cơ quan tham mưu là địa chỉ đầu tiên mà những kẻ chạy chức tiếp cận. Còn người dân giám sát công tác cán bộ là việc khó, có lẽ chưa có tiền lệ. Vì thế, muốn làm tốt việc này, trước mắt cần sớm ban hành cơ chế giám sát khả thi, không hình thức, thật sự cầu thị và dân chủ. Bởi khi phát hiện tiêu cực, người dân sẽ nói với ai, ai xử lý và cuối cùng ai bảo vệ họ?
Dẫu biết rằng công tác cán bộ hiện nay đã được tổ chức chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, chỗ nào lơ là là có tiêu cực. Trong “mê hồn trận chạy”, trước tiên cần nghiêm trị chạy chức. Bởi nếu một kẻ nào đó “chạy” được một vị trí cao thì lập tức hình thành bên dưới những đường dây tương tự rồi lây lan nhanh như dịch bệnh. Đến lúc nào đó, sẽ hình thành việc bảo vệ thành quả “chạy”. Như thế, sẽ làm băng hoại bộ máy công quyền, phát sinh nhiều tệ nạn “chạy” khác.
Gần đây, nhiều nơi tổ chức thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo cấp cục, sở như Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Quảng Ninh, TP Đà Nẵng... Thi tuyển sẽ đạt mục đích công khai, chống được tệ nạn ô dù và mọi người có cơ hội như nhau trong việc tham gia bộ máy quyền lực. Từ đó, góp phần nâng dần chất lượng đội ngũ công chức. Dẫu biết rằng việc đột phá thi tuyển các chức danh lãnh đạo như viên gạch nhỏ trên con đường làm trong sạch, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Vì thế, phải bắt đầu từ việc đặt những viên gạch, phải kiên trì tìm giải pháp, thêm sáng kiến, tiếp tục hoàn thiện để có những thay đổi tích cực về chất trong việc phục vụ nhân dân.
Bình luận (0)