xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vắng lặng sau cơn sốt đất

Theo TBKTSG

Phú Quốc - Kiên Giang những ngày đầu tháng 11-2004 tồn tại hai trạng thái động - tĩnh khác thường. Đó là sự bất bình của người dân qua những vụ tiêu cực đất đai, liên quan đến nhiều cán bộ có chức có quyền, hàng trăm héc ta đất sẽ bị thu hồi, kéo theo những vụ phân xử rắc rối, kéo dài.

Hệ thống dịch vụ, thương mại du lịch hầu như “lắng lại” nhưng là để chờ đợi một ngày tươi sáng từ những dự án bạc tỉ đang ráo riết hình thành theo Quyết định 178 phê duyệt “Đề án phát triển Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” của Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 10-2004.

Cú sốc hạ nhiệt

Khác với cảnh nhộn nhịp kẻ ra người vào bến tàu cao tốc Rạch Giá- Phú Quốc mấy tháng trước, lượng khách từ tháng 10 đến đầu tháng 11-2004 đã giảm mạnh. Bốn, năm tàu cao tốc (mỗi chiếc chở từ 200 - 250 hành khách) phải giảm giá vé, từ 130.000 đồng xuống còn 100.000 đồng đối với người lớn, vé trẻ em xuống còn 80.000 đồng, nhưng vẫn thường không đủ một nửa lượng khách để đi, nên có tàu phải “cáo bệnh” chờ thời.

Tuyến hàng không TPHCM-Phú Quốc - Rạch Giá cũng không nằm ngoài ảnh hưởng. Các nhà đầu tư từ khắp mọi miền đất nước chen chân đến Phú Quốc tìm cơ hội kinh doanh đất đai, nhà hàng, khách sạn, bãi biển đã chùn chân sau quyết định thanh tra và chủ trương của tỉnh Kiên Giang về thu hồi toàn bộ đất đai kinh doanh trái phép tại đây.

Bà Nguyễn Thị Hiền, giám đốc một doanh nghiệp có đến ba khách sạn mini với gần 60 phòng, một nhà hàng, một cửa hàng bán đặc sản và quà lưu niệm nằm trên đường Nguyễn Trung Trực (con đường cao giá nhất ở Phú Quốc), lo âu: “Cả tháng nay khách sạn ế ẩm bất thường, có chỗ cả tháng 10 không có một người thuê, mấy ngày đầu tháng 11 mới có hai, ba người đặt phòng trở lại”. Nhớ lại lúc trước phòng ốc luôn hoạt động 70% -80% công suất, có lúc không còn phòng trống. Riêng cửa hàng bán đặc sản, quà lưu niệm cũng chịu chung cảnh “vắng như chùa bà đanh”. Bà cho biết, nhiều người bạn kinh doanh khách sạn ở Phú Quốc cũng than vãn với nhau hoàn cảnh tương tự.

Để duy trì hoạt động, nhiều khách sạn, nhà nghỉ đã giảm đến 50% giá phòng (từ 160.000 đồng xuống còn 80.000 đồng/phòng hai người/ngày, thậm chí ba khách cùng nghỉ cũng không phải đóng thêm tiền). Nếu tình hình này kéo dài, theo giới kinh doanh, sẽ có nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ trong số trên 30 khách sạn lớn, nhỏ của Phú Quốc phải đối mặt với nguy cơ phá sản, đặc biệt là những cơ sở mới kinh doanh từ nguồn vốn vay ngân hàng...

Thị trường đất đai, tuy bị đình trệ, nhưng giá đất vẫn đứng ở mức cao. Một lô đất 1.000 m2, mặt tiền bãi biển tại thị trấn Dương Đông, có giá 200 lượng vàng, giá phổ biến của một lô đất 6m x 16 m nằm trên các đường khác thuộc trung tâm thị trấn cũng được chào giá từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng, nhưng không ai mua bán gì cả. Ông N.V.H, một người làm ăn lâu năm tại đây, vừa đồng ý bán một lô đất ven thị trấn Dương Đông giá 300 triệu đồng, nhưng đến ngày làm giấy tờ thì người hỏi mua cũng biến mất dạng không một lời giải thích.

Riêng với số người bị vướng vào danh sách bị thu hồi đất theo quyết định của tỉnh Kiên Giang (dù đã được cấp chủ quyền, nhưng có nguồn gốc trái phép) trước sau gì cũng phải kéo nhau ra tòa dân sự để phân xử từ những khoản tiền chênh lệch kếch xù, vốn chảy qua nhiều chủ khác nhau trên cùng một lô đất. Trong số này có rất nhiều vụ mua bán còn dở dang, giấy tờ chỉ mới ở khâu xác nhận bằng giấy tay, trong khi tiền đã thanh toán xong...

Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Phú Quốc, nhận định chuyện giải quyết chắc chắn sẽ vô cùng rắc rối, kéo dài, nhưng sẽ giải quyết dứt điểm các vụ “lùm xùm”, để Phú Quốc bắt tay thực hiện đề án quy hoạch mới vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Đảo ngọc” chờ ngày tỏa sáng

Bên cạnh những biện pháp kiên quyết nhằm giải quyết dứt điểm các vụ tiêu cực đất đai, tỉnh Kiên Giang đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch thực hiện đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020. Quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5-10-2004 và được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp triển khai tại Kiên Giang ngày 8-10-2004.

Tiến sĩ Thái Đắc Liệt, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, cho biết tỉnh và các bộ liên quan đã thống nhất quan điểm đầu tư một số dự án mang tính quyết định để đưa Phú Quốc trở thành “trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế với các hình thức dịch vụ chất lượng cao...”. Ông Liệt cho biết thêm: “Để thu hút đầu tư, trong tháng 11 chúng tôi sẽ có cuộc giới thiệu và đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp trong tỉnh trên Đài Truyền hình Kiên Giang. Sau khi kế hoạch được thông qua, chúng tôi sẽ tổ chức giới thiệu rộng rãi hơn, trong đó có một cuộc tại TPHCM”.

Theo kế hoạch, một sân bay mới tầm trung đạt tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng sẽ được xây dựng tại Phú Quốc, để từ năm 2011 Phú Quốc sẽ có đường bay thẳng đi các nước trong khu vực ASEAN. Hiện tỉnh Kiên Giang và Bộ Công an đang phối hợp đề xuất Chính phủ miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Kế tiếp là các dự án xây cảng biển bảo đảm cho tàu 1.000 tấn ra vào, cụ thể là dự án cảng biển An Thới và Vịnh Đầm.

Với chủ trương đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, tỉnh Kiên Giang đã đồng ý cho 8 nhà đầu tư xúc tiến các dự án với tổng vốn trên 1.000 tỉ đồng. Cụ thể các nhà đầu tư sẽ xây dựng công viên, đường giao thông, đặc biệt là các trục đường chính của đảo, như: Dương Đông - An Thới, Dương Đông - Hàm Ninh (trên Tỉnh lộ 47 hiện tại), bãi Vòng -vịnh Đầm... đổi lại họ được giao gần 800/3.000 ha nằm trong khu du lịch Bãi Trượng, thuộc xã Dương Tơ. Ngoài 37 nhà đầu tư được tỉnh chấp thuận lập dự án đầu tư trong năm 2004, còn có trên 50 nhà đầu tư mới trong và ngoài nước đăng ký đầu tư vào Phú Quốc.

Vấn đề đào tạo nhân lực tại chỗ và chính sách thu hút nhân tài phục vụ cho đề án phát triển Phú Quốc cũng được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc toan tính. Trong một lần trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Thanh Sơn, tân chủ tịch huyện đảo Phú Quốc, cho biết huyện đang bàn để đề xuất Chính phủ cho phép Phú Quốc xây dựng đề án tổ chức bộ máy riêng vì bộ máy hiện tại không thể đảm đương nổi những phần việc quá lớn. Ông nói: “Trước mắt, chúng tôi có kế hoạch đưa cán bộ sang Singapore nghiên cứu, học tập kinh nghiệm điều hành quản lý, khai thác phát triển đảo”.

Với tinh thần “cho phép Phú Quốc được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà Nhà nước ban hành về đầu tư nuớc ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư cho khu công nghiệp, khu chế xuất, cho các khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế thương mại tự do, khu kinh tế mở”, Quyết định 178 của Chính phủ được xem là “cú hích” quan trọng cho việc xây dựng Phú Quốc trở thành “đảo ngọc”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo