Những ngày qua, khu rừng thông, keo ở xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế rộng khoảng 3.000 m2 - 4.000 m2 bị băm nát bởi hàng ngàn người thi nhau đào bới tìm vàng. Trong số người này có dân địa phương và cả “vàng tặc” chuyên nghiệp từ Thái Nguyên, Quảng Nam, Đà Nẵng...
Đe dọa cả công an
Khu rừng thông bị đốn hạ nham nhở, hàng ngàn hố vàng khoét vào đất sâu hoắm. Ông Lê Xơ, một người dân trú xã Lộc Sơn, cho biết gia đình ông phải gom góp tiền để di dời mộ cụ tổ ở khu vực này vì sợ dân đào vàng san phẳng.
Rất nhiều người vẫn tiến hành đào tìm vàng ở Lộc Sơn sau khi chính quyền địa phương vào cuộc
Những ngày cao điểm, dù lực lượng công an, xã đội Lộc Sơn cùng Công an huyện Phú Lộc tới truy đuổi nhưng đã bị “vàng tặc” phản ứng lại.
“Lực lượng địa phương chỉ có 10-12 người nên chỉ còn biết khoanh tay đứng nhìn”- ông Võ Công Nhơn, Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn, cho biết.
Theo ông Nguyễn Tảng, công an viên xã Lộc An, tối 14 rạng sáng 15-6, khi lực lượng Công an huyện Phú Lộc và xã Lộc Sơn hiện trường thì bị hơn 1.000 “vàng tặc” hung hăng đe dọa. Công an huyện buộc lòng phải bắn một phát súng chỉ thiên mới vãn hồi được trật tự.
Đến ngày 17-6, có một đơn vị quân đội đến đóng quân ở khu rừng này. UBND xã Lộc Sơn đã mua lưới thép rào khoảnh rừng 2.000 m2 và cử lực lượng canh gác ngày đêm nên tình hình khai thác vàng trái phép đã tạm thời lắng xuống. Một số người ở các tỉnh Quảng Nam, Thái Nguyên đã về quê, số khác rút qua các địa bàn xung quanh hoặc lảng vảng cạnh khu rừng để chờ dịp đào xới.
“Có thể họ chỉ chờ cho đơn vị quân đội rút đi là sẽ quay trở lại. Thời gian tới, đơn vị quân đội này rút đi thì chính quyền xã không thể nào cản được người dân vào đào vàng nếu không có công an, huyện đội hỗ trợ”- ông Nhơn lo lắng.
Cầu cứu tỉnh can thiệp
Hiện UBND xã Lộc Sơn tiếp tục thuê xe vào san lấp các hố sâu do “vàng tặc” để lại. Theo ông Nhơn, dân đào vàng đổ về đây vào ngày 6-6. Nguyên do là thời gian qua có thông tin cho rằng một số người tình cờ trúng cả ký vàng ở đây.
“Qua xác minh của xã thì có một số người “trúng” vàng trị giá 15-20 triệu đồng, còn việc có người “trúng” cả ký vàng thì chỉ là tin đồn. Hàng ngàn người ăn ở tại rừng nhiều ngày, cùng với sự khai thác trái phép làm môi trường ô nhiễm hết sức nghiêm trọng”- ông Nhơn bức xúc.
Tình trạng người dân kéo tới xã Lộc Sơn đào vàng trái phép đã xảy ra rất nhiều lần, gần đây nhất là vào năm 2010. Ông Nhơn thừa nhận: “Nếu thực sự khu vực này có vàng thì chính quyền xã không thể bảo vệ nổi. Trước mắt, chúng tôi cố gắng kiểm soát tình hình, vấn đề lâu dài phải trông chờ vào UBND huyện và tỉnh can thiệp”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, tại khu vực Đồng Bông, Đồng Nghệ, thuộc xã Lộc An và xã Lộc Sơn đã có rất nhiều công ty được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép tiến hành thăm dò vàng và họ cũng đã có số liệu về trữ lượng vàng cụ thể.
Riêng khu vực ở xã Lộc Sơn, trước đây UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho phép Công ty Mỏ Đại Sơn tiến hành thăm dò, khai thác nhưng không hiểu sao công ty này không triển khai.
Ông Hà khẳng định: “Nếu để tình trạng khai thác vàng trái phép ở xã Lộc Sơn tiếp tục xảy ra thì trong thời gian tới, tình hình sẽ phức tạp hơn, mất an ninh trật tự và có tác động xấu tới môi trường”.
Mai táng 6 người đào vàng bị núi lở vùi chết
Xử lý nghiêm vụ cướp quặng vàng ở Bồng Miêu
Chiều 18-6, bà Phạm Thị Như, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - Quảng Nam, cho biết hiện lực lượng cứu hộ đã phát hiện được thi thể của 6 người đào vàng bị núi lở vùi chết ở bãi Voi (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) ngày 14-6. Trong đó, 3 người quê ở Lai Châu và 3 người ở Nghệ An. Theo yêu cầu của gia đình, 6 nạn nhân sẽ được mai táng ngay tại khu vực xảy ra tai nạn. Cùng ngày, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ban hành công điện chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những người liên quan trong vụ lở núi trên.
Liên quan đến vụ việc “vàng tặc” hai lần tổ chức cướp hàng chục tấn quặng ở mỏ vàng Bồng Miêu ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa ban hành công văn yêu cầu Công an tỉnh Quảng Nam có phương án hỗ trợ UBND huyện Phú Ninh bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu UBND huyện Phú Ninh thông báo chủ trương của UBND tỉnh kiên quyết lập lại trật tự khai thác, buôn bán và xay nghiền quặng vàng trái phép đến với từng hộ dân xã Tam Lãnh để những người liên quan nghiêm túc chấp hành, tự giác đưa các máy xay nghiền đá quặng cũng như các loại quặng khai thác trái phép ra khỏi các khu vực cấm và vườn nhà trước ngày 25-6.
T.Phương |
Bình luận (0)