Đại diện Ban quản lý tòa nhà trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Ban Quản lý tòa nhà) cho biết vấn đề an ninh, an toàn tại tòa nhà này đã được chú trọng ngay từ khi tòa nhà vận hành vào đầu năm 2014, chứ không phải mới quan tâm, thực hiện sau án mạng ở Yên Bái.
Tại tòa công sở này, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận, người dân có thể tự do đến “Khu hành chính mở” đặt tại tầng trệt để giải quyết hầu hết các thủ tục hành chính, công việc cần thiết thông qua cơ chế 1 cửa.
Các tầng trên là nơi làm việc của hàng chục cơ quan, đoàn thể nhà nước. Trong đó, có phòng làm việc của lãnh đạo các sở ngành, lãnh đạo tỉnh.
Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương
Để lên các tầng trên, bất kể ai cũng phải bước qua hệ thống cổng điện từ. Tại đây giỏ xách, ba lô đều được đặt lên máy soi chiếu kiểm tra.
Chỉ có cán bộ, công chức làm việc trong tòa nhà mới được sở hữu thẻ từ để mở cổng. Đối với người dân, khách đến liên hệ công việc, phải xuất trình giấy giới thiệu, giấy liên hệ công tác hoặc có người bảo lãnh mới được cấp "thẻ tạm" để qua cổng điện từ.
Hàng chục nhân viên túc trực bảo vệ an ninh tại tòa nhà. Riêng các tầng làm việc của lãnh đạo tỉnh có cả lực lượng chính quy của công an.
Người dân và khách muốn liên hệ làm việc với các bộ phận nghiệp vụ, cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Dương đều phải qua cổng điện từ, giỏ xách phải qua máy quét
Đại diện ban quản lý tòa nhà khẳng định một người không phận sự không thể mang súng vào tòa nhà. “Nếu súng bỏ trong cặp xách thì cặp xách đó phải qua hệ thống máy soi giống như máy soi ở sân bay. Nếu súng giắt trong người, khi bước qua cổng điện từ cũng sẽ bị phát hiện” – đại diện ban quản lý tòa nhà nói. Không chỉ có súng; dao kéo, chất lỏng, chất dễ gây cháy nổ đều không được qua cổng điện từ.
Nhân viên túc trực kiểm tra bên máy quét
Ban Quản lý tòa nhà thường xuyên nhắc nhở nhân viên bảo vệ tuyệt đối không được vì quen biết, vì nể nang mà để “lọt cổng” những vật dụng nguy hiểm. “Chúng tôi đề cao tính nghiêm ngặt như vậy là để bảo vệ an toàn, phòng tránh cháy nổ. Tòa nhà này không chỉ lãnh đạo tỉnh mà có hơn 1.000 người dân, cán bộ công chức, khách đến giao dịch, làm việc. Họ đều cần được bảo vệ ở mức tốt nhất” – đại diện ban quản lý tòa nhà nói.
Tuy nhiên, tính an toàn đôi lúc được đặt lên cao quá mức cần thiết đã khiến tòa công sở này bị nhiều nhà báo đánh giá là thiếu thân thiện. Điển hình ngay cả phóng viên thường trú tại Bình Dương cũng nhiều lần gặp khó khăn khi muốn vào tòa công sở này để trao đổi, phỏng vấn lãnh đạo các ban ngành của tỉnh.
Nhằm gỡ khó cho các phóng viên, cuối năm 2015, ông Nguyễn Minh Châu, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban quản lý tòa nhà đã đề nghị Sở Thông tin- Truyền thông tỉnh Bình Dương thu thập thông tin của các phóng viên thường trú tại tỉnh để ban quản lý tòa nhà cấp "thẻ khách" cho các phóng viên ra vào tòa nhà tác nghiệp. Các phóng viên đã cung cấp thông tin về sở nhưng đến nay đã hơn 6 tháng mà vẫn chưa được cấp thẻ.
Từ cuối năm 2015 Ban quản lý tòa nhà đã đề nghị Sở TT&TT Bình Dương cung cấp danh sách các phóng viên thường trú cần cấp thẻ ra vào tòa nhà nhưng đến nay vẫn chưa có chiếc thẻ nào được trao cho phóng viên khiến việc đưa tin, phỏng vấn gặp khó khăn
Về chuyện này, ông Châu giải thích đến nay Sở Thông tin- Truyền thông vẫn chưa gửi danh sách các phóng viên cần cấp thẻ cho ban quản lý tòa nhà. Trước đó, trả lời phóng viên, đại diện Sở Thông tin - Truyền thông lại cho rằng nguyên nhân các phóng viên chưa được cấp ra vào tòa nhà là vì "phía ban quản lý tòa nhà đề nghị sở cam kết nhiều vấn đề không hợp lý!"
Bình luận (0)