18 giờ 15: Tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết đốm sáng mà máy bay tuần thám CASA-212 số hiệu 8981 phát hiện lúc 10 giờ 53 phút tại 07o59’00” N - 103o44’00” E, cách phía Đông Nam đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 80 hải lý, tương đương 150 km, là vật thể lạ chiều dài khoảng 3 m.
Lúc 14 giờ 1 phút, thủy phi cơ DHC6 cất cánh từ Phú Quốc đi xác minh vật thể lạ trên. Trong trường hợp phát hiện sẽ hạ cánh xuống mặt biển để xác minh.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng cho biết đến cuối ngày 11-3, đã có 23 máy bay, 31 tàu của Việt Nam và nước ngoài tham gia tìm kiếm máy bay số hiệu MH370 trên vùng biển của Việt Nam.
Trong đó, buổi sáng Việt Nam đã sử dụng 9 máy bay gồm: 3 AN26, 3 Mi-171, 2 CASA-212, 1 DHC6 bay 13 lần chuyến; 9 tàu các loại gồm: SAR 413, SAR 272, CSB 2002, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774, HQ 888. Công tác tìm kiếm tại hiện trường được mở rộng phạm vi về hướng Tây Bắc so với khu vực tìm kiếm ngày 10-3, trong đó tập trung tìm kiếm, xác minh các vật thể do máy bay phát hiện.
Còn lực lượng nước ngoài tham gia 14 máy bay, 22 tàu gồm: Malaysia 4 máy bay, 9 tàu; Singapore 2 máy bay, 3 tàu; Trung Quốc 4 máy bay, 6 tàu; Mỹ 4 máy bay, 3 tàu; Thái Lan 1 tàu.
Về kế hoạch tìm kiếm ngày tiếp theo, lực lượng không quân xây dựng kế hoạch sử dụng 4 máy bay (1 CASA-212, 1 AN26, 2 trực thăng Mi-171) bay tìm kiếm tại khu vực phía bên phải và 3 máy bay (1 DHC6 của Hải quân, 1 trực thăng Mi-171, 1 CASA-212) bay khu vực phía bên trái của đường bay L637 (đường bay mà chiếc máy bay MH370 đã bay) theo hướng Kuala Lampur - Bắc Kinh.
Trên biển sẽ sử dụng 8 tàu di chuyển về các vị trí phân công để kết hợp tìm kiếm và phối hợp nắm tình hình hoạt động của các lực lượng nước ngoài.
14 giờ: Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn họp khẩn đánh giá về công tác tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - trực tiếp chỉ đạo.
Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng, cho biết dù đã huy động số lượng lớn phương tiện trên không và trên biển tìm kiếm suốt 4 ngày qua, kết hợp với tàu cá ngư dân hoạt động dày đặc trong khu vực song cho đến đầu giờ chiều 11-3 vẫn chưa phát hiện dấu vết gì. Do vậy, theo tướng Khuê, cần phải thay đổi để nắm thêm thông tin với phía Malaysia và sử dụng lực lượng hợp lý.
Hiện Uỷ ban đã thông báo cho 2 quân khu 7 và 9 đề phòng có thể phát hiện dấu vết ở rừng núi. Cần mở rộng tìm hướng đông của hướng bay của chiếc máy bay mất tích. Cho máy bay rà đi rà lại, còn tàu thì đứng một số nơi.
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng, nói: “Chúng ta phải xác định có thể kéo dài nên phải bố trí lực lượng cho hợp lý. Phương tiện của chúng ta rất hiện đại, có thể nói hiện đại nhất hiện nay. Mặt khác phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng cứu hộ”.
Sau khi nghe báo cáo, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đánh giá đây là sự cố mà Việt Nam phải tập trung lực lượng một cách tích cực nhất. “Bao nhiêu người thân trên chiếc máy bay mất tích và nhân dân đang trông chờ vào chúng ta” - Thượng tướng nói.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ chỉ đạo: “Lấy đường bay của máy bay mất tích làm trục chính, mở rộng hướng ra đất liền tại khu vực các quân khu 5, 7, 9 và giáp biên giới Campuchia”.
Tổng tham mưu trưởng yêu cầu việc huy động tàu phải luân phiên nhau chứ không làm cùng lúc, phải có điều hành, điều tiết tránh bị rối. “Đến nay trên vùng biển còn có các phương tiện của nước bạn nên Cục cứu hộ- Cứu nạn phải có lực lượng dẫn dắt, quản lý vì đây là vùng biển của Việt Nam” - tướng Tỵ nói.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn, xăng dầu, ăn uống cho lực lượng cứu hộ. Đây cũng là một cơ hội để rèn luyện cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn. “Cần xác định tìm kiếm lâu dài nên cần xác định dài hơi hơn chứ không ồ ạt như mấy ngày qua. Tuy nhiên, phải thực hiện tìm kiếm 24/24 bất kể ngày đêm. Nếu phát hiện ra máy bay mất tích thì phải huy động lực lượng để xử lý ngay” - Thượng tướng Tỵ nói.
Qua công việc tìm kiếm của 4 ngày qua, sáng mai (12-3) tiếp tục tổ chức tìm kiếm ở phía Đông đường bay của máy bay MH370 và khu vực biên giới Lào, Campuchia. Theo yêu cầu của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, mỗi ngày lực lượng tìm kiếm cứu hộ phải có kế hoạch cụ thể cho từng ngày, báo cáo đầy đủ để đảm bảo công tác tìm kiếm phát huy tối đa hiệu quả.
13 giờ 30: Theo tin mới nhất từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, sau khoảng một giờ bay ra khu vực tìm kiếm, 2 chiếc máy bay tuần thám CASA-212 đã phát hiện đốm trắng lạ nghi vấn.
Đốm trắng được ghi nhận tại tọa độ 7o59'17" N – 103o103'44'05" E, cách đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang) khoảng 80 hải lý (tương đương 150 km) về phía Đông Nam.
10 giờ 40: Trả lời báo chí, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết sáng nay 11-3 ông đã ký điện thông báo cho các đơn vị, thông báo đến Chủ tịch UBND các tỉnh, đồng thời là Trưởng ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh, có trách nhiệm triển khai tăng cường việc tìm kiếm trên khu vực đất liền.
Theo Tướng Tuấn, sau mấy ngày tập trung trên biển nhiều nhưng chưa tìm thấy dấu tích nên sẽ tăng cường tìm kiếm trên bộ dọc 2 bên đường bay đi qua Hòn Khoai (Cà Mau) đến TP HCM và kéo rộng theo đường bay ở 2 bên liên quan đến các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về phương án cứu hộ, trục vớt nếu tìm thấy máy bay ở vùng biển máy bay mất tích, có độ sâu 70-90 m, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết hiện Việt Nam có tàu cứu hộ SAR 413 đồng thời là tàu chỉ huy có phương tiện cứu hộ cứu nạn hiện đại, trên tàu hải quân HQ 888 cũng đều có phương tiện cứu hộ cứu nạn.
“Chúng ta có đội thợ lặn nếu tìm được thì có đầy đủ phương tiện và năng lực có chuyên môn để thực hiện. Khi tìm được sẽ thông báo ngay cho Malaysia cùng tham gia trục vớt sẽ tốt hơn. Độ sâu chúng ta đang hoạt động khoảng 20 - 50m, nếu ở vịnh Thái Lan có độ sâu hơn sẽ có các phương tiện khác. Đội thợ lặn của Việt Nam của Quân chủng Hải quân có thể lặn sâu 70 – 80 m ” - Tướng Tuấn cho hay.
Không khí tác nghiệp khẩn trương tại Phòng chỉ huy của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn
10 giờ: Hiện đã có sự tham gia của 2 máy bay tuần thám biển CASA-212 đi tìm kiếm máy bay mất tích. Đó là CASA-212 số hiệu 8981 cất cánh lúc 9 giờ 22 phút tìm kiếm ở phía đông Đảo Thổ Chu. CASA-212 số hiệu 8982 cất cánh lúc 9 giờ 38 phút tìm kiếm ở bên phải đường bay của máy bay bị mất tín hiệu.
CASA-212 là “tân binh” vừa xuất hiện trong hệ thống phi cơ đang được Không quân Việt Nam quản lý và vận hành.
Đây là máy bay tuần thám hiện đại trang bị cho lực lượng Cảnh sát Biển; có sải cánh 20,2 m và chiều dài 16,1 m. CASA-212 bay với tốc độ thấp và bay trên biển liên tục 7 giờ, có khả năng tìm kiếm, theo dõi mục tiêu đa chế độ bất kể ngày, đêm.
9 giờ 40: Trung tá Nguyễn Ngọc Sơn, Văn phòng Ủy ban tìm kiếm cứu nạn thông báo việc tìm kiếm trong ngày 11-3 sẽ chia 2 khu vực để tìm kiếm. Khu vực 1 gồm tàu HQ 954, HQ 637, tàu SAR 413. Khu vực 2 gồm tàu SAR 273, tàu kiểm ngư 774, tàu cảnh sát biển CSB 2002, tàu CSB 2003.
Về máy bay, hiện đã có 2 máy bay cất cánh lúc 7 giờ 30 là máy bay AN26 số hiệu 261 và lúc 8 giờ là máy bay AN26 số hiệu 267, bay ở phía Đông của đường bay của máy bay bị mất tích.
Tàu HQ 888 sau khi đã kiểm tra ở phía Đông Nam của mũi ô cấp 32 lý không phát hiện được những điểm khả nghi theo điểm khả nghi do máy bay của Hongkong cung cấp chiều ngày 10-3. Trong sáng 11-3, tàu sẽ cơ động rà soát về phía Đông Nam Cà Mau đến tọa độ 8o00 vĩ độ Bắc, 105o kinh Đông. Trên đường hành trình sẽ sử dụng máy quét đa tia và các thiết bị để quét tìm dưới đáy biển.
6 giờ: Tin từ Phòng chỉ huy trung tâm của Ủy ban Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn cho biết từ đêm 10-3 tới sáng sớm nay vẫn chưa có tín hiệu gì mới.
Phương pháp tìm kiếm vẫn là dùng máy bay để rà soát các vật thể. Trong ngày hôm nay 11-3 sẽ tính toán lại phương án tìm kiếm, tập trung vào các khu vực trọng điểm. Các khu vực trọng điểm là vị trí được cho là máy bay mất tín hiệu và dọc theo lộ trình bay của chiếc máy bay mất tích.
Ông Lê Dũng Anh, Phó chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn, cho biết đến 23 giờ đêm 10-3, công tác phối hợp giữa các lực lượng vẫn triển khai đồng bộ, tàu 627 hoàn thành tiếp dầu cho tàu chỉ huy SAR 413. Đến 22h 30 đêm 10-3, tàu HQ 888 đã tạm dừng tìm kiếm, chờ đến sáng 11-3 tiếp tục hoạt động.
Ngoài biển các lực lượng khẩn trương như thế nào thì tại trung tâm cũng liên tục cập nhật thông tin
Về công tác tìm kiếm cứu nạn khi phát hiện có người bị nạn, ông Lê Dũng Anh cho hay các lực lượng, phương tiện trên bờ đã được chuẩn bị, sẵn sàng về công tác hậu cần, quân y. Các hành lang pháp lý khi xử lý tình huống, trao đổi với cơ quan nước ngoài cũng được chuẩn bị đầy đủ. Các phương tiện chuyên dụng phục vụ cho việc trục vớt, xác minh thông tin người bị nạn cũng được chuẩn bị sẵn sàng.
Về lực lượng tìm kiếm hiện Việt Nam có 10 tàu gồm có 7 tàu tìm kiếm và 3 tàu hỗ trợ, cộng thêm 9 máy bay đang tích cực tìm kiếm trên vùng biển Việt Nam. Một số tàu của Mỹ và Trung Quốc cũng đang trên đường đến tham gia tìm kiếm cùng Việt Nam.
Đối với các lực lượng nước ngoài khi tham gia phối hợp tìm kiếm với Việt Nam, hiện đã có đầu mối là Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam để liên hệ với tất cả các lực lượng này.
Tại hiện trường trên biển, tàu SAR 413 có nhiệm vụ làm chỉ huy, kết nối thông tin với tất cả lực lượng. Căn cứ vào quá trình tìm kiếm sẽ phân công cho mỗi phương tiện một khu vực tìm kiếm chỉ định sau khi trao đổi giữa các nước với nhau.
Người Lao Động online tiếp tục cập nhật
Bình luận (0)