xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vật vã trong chung cư

HOÀNG DŨNG - PHƯƠNG NHUNG - KHA MIÊN - HUỲNH HẰNG

Tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng..., các chung cư tái định cư ồ ạt mọc lên để xóa sổ những khu ổ chuột nhếch nhác. Song, trong những căn hộ khang trang ấy, người dân đã phải sống khổ sở, lay lắt do đứt gánh mưu sinh

Hơn 10 năm qua, tốc độ đô thị hóa ở TP Đà Nẵng được xem là nhanh nhất nước. Hàng loạt căn nhà chồ bên dòng sông Hàn đã bị xóa bỏ, hàng ngàn hộ dân sinh sống ở đây được chuyển đến những chung cư khang trang.

img
Tiệm sửa xe cơ động của anh Đỗ Duy Nhàn ở khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) Ảnh: PHƯƠNG NHUNG

An cư nhưng thất nghiệp

Khu chung cư Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là nơi tái định cư (TĐC) cho trên 180 hộ dân trước đây vốn sống ở nhà chồ. Sau khi giải tỏa nhà, 10 người thuộc gia đình ông Trần Văn S. phải sống chen chúc trong căn hộ chưa tới 45 m2. Hiện ông S. đã chuyển qua chạy xe ôm kiếm sống qua ngày, còn 2 con trai của ông tiếp tục hành nghề đánh bắt cá trên biển. “Khổ lắm! Nhà chật, tôi đành mang lưới cụ leo lên tầng 4 để cất, chứ để ở dưới sợ mất, không có tiền mua lại” - ông S. tâm sự.

Nhiều ngư dân ở khu chung cư Hòa Hiệp 2 (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) phản ánh họ thường xuyên bị mất cắp ngư cụ do chỗ ở hiện tại cách nơi neo đậu tàu thuyền gần 10 km nên không tiện trông coi. Mặt khác, nhiều người đã phải bỏ việc vì chỗ ở cách xa nơi làm việc.

Chị Lê Thị Mỹ H. cho biết từ khi chuyển lên chung cư, cuộc sống của gia đình chị hết sức khó khăn. Hai vợ chồng phải đi làm xa, việc đưa đón con cái học hành rất vất vả nên chị đành bỏ công việc ở công ty may giày bên Sơn Trà để mở quán nước mía bán kiếm sống.
 
“Trước đây, gia đình tôi chỉ trả hơn 100.000 đồng/tháng tiền nhà và điện nước, nay lên ở khu nhà cao cấp hơn nên phải trả đến 600.000 đồng, thêm tiền thang máy gần 200.000 đồng. Vợ chồng tôi người làm phụ hồ, kẻ buôn bán nhỏ, lại còn lo cho 2 con đi học nên không có khả năng trả những khoản này” - chị H. bộc bạch.

Tại TP HCM, người dân sống ở chung cư An Lộc (quận 2) cũng khó khăn trăm bề khi nơi ở mới không phù hợp với công việc cũ. Ông Dũng (ở tầng 3, lô B2) than thở: “Hồi trước, vợ tôi bán chè trong khu dân cư Thủ Thiêm. Dù thu nhập không cao nhưng cũng có chút tiền xoay xở qua ngày. Lên đây, vợ tôi chỉ ở nhà lo nội trợ vì chung cư không thể nấu chè bằng bếp lò, mà nấu gas thì không có lời. Hơn nữa, gia đình ở tầng 3 nên cũng không có mặt bằng, bán dưới sân chung cư thì không được phép”.

Cuộc sống của nhiều hộ dân trong các chung cư TĐC tại Hà Nội cũng chẳng dễ dàng hơn. Vốn làm chủ một nhà trẻ tư nhân ở khu vực Ngã Tư Sở, từ ngày chuyển về tòa nhà 17-T10 khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính, chị Trần Thúy Hoa phải tìm cách mở lớp trông trẻ ngay căn hộ rộng 75 m2 của mình. Chị Hoa cho biết lúc cao điểm, lớp học có 20 cháu và phải thuê thêm 4 cô giáo mầm non. Tuy nhiên, ở thời điểm này, số trẻ đến lớp giảm còn một nửa, chị chỉ tiếp tục duy trì công việc cho 2 cô giáo.

“Mức học phí thu ở đây gần như thấp nhất so với các trường mầm non tư thục nhưng nhiều gia đình vẫn không kham nổi. Vì thế, họ đành chuyển con vào các trường mầm non công lập xa nhà” - chị Hoa giải thích.

img
Một ngư dân tận dụng góc chung cư để đựng dụng cụ đánh cá ở chung cư Nại Hiên Đông (Đà Nẵng) Ảnh: HOÀNG DŨNG

Mở quán, chạy xe ôm

Những người dân trước kia sinh sống chủ yếu nhờ buôn bán giờ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi không còn mặt bằng. Bức bách, một số ít xoay xở tạm thời bằng cách “mượn” không gian công cộng nơi tầng trệt chung cư.

Anh Đỗ Duy Nhàn ở khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính trước đây làm nghề sửa chữa xe máy tại khu vực Khương Đình (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Khi giải tỏa mặt bằng, gia đình anh được đền bù một căn hộ trên tầng 14. Mất mặt bằng sửa xe, anh Nhàn nảy ra “sáng kiến” mua một chiếc ô tô cũ, tháo hết phụ tùng bên trong, tận dụng khoảng trống để chứa đồ nghề sửa chữa xe máy. Chiếc ô tô cũ trở thành tiệm sửa xe cơ động ngay dưới sân chung cư nơi anh Nhàn ở, sát lề đường Hoàng Minh Giám.
 
“Tiệm sửa xe ở nhà cũ nằm ngoài mặt đường nên lượng khách ra vào khá đông, giờ ở đây quanh đi quẩn lại chỉ được vài người” - anh Nhàn than phiền.

Các hộ dân sống trong khu TĐC Nam Trung Yên, TP Hà Nội cũng phải chuyển sang làm thuê hoặc chạy xe ôm, mở quán bán hàng ngay dưới chân chung cư. “Khách ít mà nhiều người làm nên thu nhập của cánh xe ôm chúng tôi rất thấp, nhiều hộ TĐC đã sang nhượng hoặc bán căn hộ để đi nơi khác làm ăn rồi. Những người còn trụ lại đều phải chật vật mới đủ sống” - anh Đức, chạy xe ôm ở khu TĐC Nam Trung Yên, cho biết. Theo anh, do nhiều người trong độ tuổi lao động đến đây không có việc làm hoặc chỉ quanh quẩn làm việc lặt vặt nên đã xảy ra nạn nghiện hút, trộm cắp…

Không chỉ bị bao quanh bởi các quán nước, mặt tiền, nhiều chung cư TĐC ở TP HCM như Tân Mỹ (quận 7), Thạnh Mỹ Lợi (quận 2)... còn phủ kín các tấm bạt hàng hóa do người dân bày bán. Người bán đông hơn người mua nên các quán vắng tanh. Nhiều gia đình ở chung cư An Lộc, An Khánh (quận 2) mở tiệm tạp hóa nhỏ ngay tại căn hộ nhưng cũng ế ẩm vì chung cư đã có siêu thị mini. Giảm sút thu nhập hoặc không tìm được công việc phù hợp, nhiều người đã quyết định ngưng hẳn việc đang làm.

Ông Trần Vĩnh Tú (Phó Ban Quản trị chung cư TĐC Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) ước tính có khoảng 30%-40% hộ dân ở đây đã bán lại căn hộ, quay về nơi ở cũ hoặc chuyển đến nơi khác sinh sống do gặp nhiều khó khăn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo