xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vật vã trong chung cư: Sống trong mệt mỏi

HOÀNG DŨNG - PHƯƠNG NHUNG - HUỲNH HẰNG

Mới được đưa vào sử dụng chưa lâu, nhiều chung cư tái định cư tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đã nhanh chóng xuống cấp, nhếch nhác chẳng khác các khu “ổ chuột cao cấp”

Hàng quán lấn chiếm, bao vây tứ phía các chung cư tái định cư (TĐC) trong khi người dân vô tư nuôi gà, trồng rau, xả rác ở diện tích sinh hoạt chung.

Khu “ổ chuột” cao tầng

Khu TĐC Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) được đưa vào sử dụng từ năm 2005 nhưng chưa bao lâu đã nhanh chóng xuống cấp. Hệ thống tường nhà bị bong tróc; nước sinh hoạt và nước mưa ngấm vào các tầng nhà; thang máy thường xuyên trục trặc… “Đến giờ cao điểm, hàng chục người chen nhau vào thang máy. Khổ nhất là thang máy nhiều khi trở chứng, dừng hoạt động hoặc chạy nhầm tầng” - chị Nguyễn Thanh Lan (ngụ tòa nhà B3D) kể.

Tại TP Đà Nẵng, nhiều chung cư TĐC cũng xuống cấp nghiêm trọng. Thê thảm nhất phải kể đến chung cư Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Toàn bộ tường chung cư này đã biến dạng. Ở mặt tiền chung cư, nhiều hộ dân dựng lên những túp lều tạm bợ để buôn bán và chứa dụng cụ đánh cá. Bên trong và xung quanh, nước chảy lênh láng, bốc mùi hôi thối. Nền hiên và cầu thang lên chung cư đã bị hư hỏng từ nhiều năm nay nhưng chẳng ai chịu sửa chữa.

img

Người dân hứng nước dột do hồ nước thấm tại tầng 4 chung cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP HCM. Ảnh: HUỲNH HẰNG

Tình trạng hư hỏng cũng diễn ra tại nhiều chung cư ở TP HCM như chung cư Thạnh Mỹ Lợi, An Phúc - An Lộc (quận 2). Không cần đến mùa mưa, nhiều hộ dân tại chung cư Thạnh Mỹ Lợi đã phải sống chung với cảnh ngập úng khi hệ thống thoát nước trong nhà vệ sinh bị nghẹt hoặc trào ngược lên. Anh Tâm (tầng 1, lô A4) nói: “Hầu như nhà nào cũng bị, mà căn hộ dưới bị thấm thì phải sửa cả căn hộ tầng trên. Mệt mỏi lắm!”.

Đặc biệt, người dân tại 6 block chung cư Thạnh Mỹ Lợi (từ B1 đến B6) đang rất lo lắng về tình trạng thấm và rò rỉ của hồ chứa nước. Trần nhà của nhiều hộ dân sống bên dưới hồ chứa nước bị dột, tường nhà đóng rêu loang lổ. Một số hộ dân sống trên tầng 4, lô B5 phải dùng xô, chậu để hứng nước dột. Ban quản trị chung cư cho biết nửa đêm, nhiều người thường xuyên điện thoại than phiền về việc hết nước.

“Lỡ hết nước mà xảy ra cháy nổ thì chúng tôi chẳng biết đường nào mà chữa. Lúc nước đầy thì nơm nớp lo hồ vỡ. Người dân lúc nào cũng sống trong sợ hãi” - bà Hoa (ngụ tầng trệt, lô B6) than thở. Theo ông Trần Vĩnh Tú, Phó Ban Quản trị chung cư Thạnh Mỹ Lợi, Công ty Dịch vụ công ích quận 2 hứa sẽ thay hồ nước bằng bồn inox nhưng hơn nửa năm rồi đâu vẫn hoàn đấy.

Trong khi đó, chung cư An Phúc - An Lộc mới đi vào hoạt động từ năm 2008 nhưng vỉa hè đã sụt lún; nhiều nắp cống, hố ga bị mất tạo nên những cái bẫy nguy hiểm.

Chung cư biến thành trại gà

Chuyển đến nơi ở mới, nhiều người dân TĐC ở TP HCM vẫn quen nếp sống cũ, vô tình biến chung cư khang trang trở nên nhếch nhác. Ông Trần Vĩnh Tú cho biết người dân chung cư Thạnh Mỹ Lợi thản nhiên xem khu vực thoát hiểm như nhà kho, thậm chí còn khóa lại để khỏi mất đồ. “Chung cư cũng thường xuyên bị mất cắp bình chữa cháy, đầu nhôm tại các ống dẫn nước khiến ban quản trị phải bỏ tiền ra mua bổ sung để bảo đảm an toàn” - ông Tú ngao ngán .

Tình trạng lấn chiếm không gian chung để mở quán nước, quán cơm, tiệm rửa xe... diễn ra phổ biến tại chung cư Tân Mỹ (quận 7), Chu Văn An, Bắc Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), Bình Trưng Đông (quận 2)...

Tại Hà Nội, khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính lúc nào cũng ồn ào bởi các quán xá hoạt động từ sáng đến khuya. “Hiện dân TĐC còn lại rất ít, chủ yếu nhà đã được bán, sang nhượng lại. Người nơi khác đến mở quán kinh doanh, nhiều quán hoạt động tự phát nên rất khó quản lý” - đại diện ban quản trị nhà N1 khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính cho biết.

img
Hàng hóa, quán nước vây kín chung cư Tân Mỹ, quận 7, TP HCM. Ảnh: KHA MIÊN

Để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm trong các khu TĐC, từ ngày 1-12-2012, TP Hà Nội đã ban hành quy chế đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư TĐC và nhà ở xã hội được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, thành phố chỉ cho phép đấu giá phần diện tích còn lại bên trong các tòa nhà sau khi đã dành cho mục đích quản lý, vận hành, sinh hoạt công cộng, nơi để phương tiện giao thông… Toàn bộ tiền cho thuê tái đầu tư cho các hoạt động của tòa nhà và người dân sinh sống tại đó. Thế nhưng, bất chấp quy chế này, phần diện tích kinh doanh dịch vụ của một số khu TĐC ngày càng phình ra.

Không chỉ nhanh chóng xuống cấp, diện mạo chung cư hiện đại đang dần biến thành làng quê vì người dân tận dụng những khoảng đất trống để nuôi gà, trồng rau. Tại chung cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), chuồng gà xuất hiện mọi nơi, từ hành lang, sảnh ra vào, lề đường đến giếng trời. Một số hộ ở tầng trệt còn dùng lưới rào vỉa hè quanh nhà để trồng cây cảnh, nuôi gà…

Kỳ tới: Bế tắc kế sinh nhai

Xử phạt buôn bán lấn chiếm ở chung cư

Theo ông Trần Vĩnh Tú, người dân TĐC thiếu việc làm nên việc tận dụng, buôn bán trong khuôn viên chung cư là điều khó tránh khỏi. Địa phương cũng đã tạo điều kiện cho người dân đến buôn bán tại chợ tạm gần đó nhưng ế ẩm nên họ lại về bán tại chung cư. Ban quản trị chung cư không có thẩm quyền xử lý vi phạm nên chính quyền địa phương dự kiến triển khai xử phạt những trường hợp lấn chiếm không gian chung và thu bắt các vật nuôi không cho phép.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo