Sáng 14-3, hội đồng nghiệm thu của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu lần cuối cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” trong Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng tại khu vực biển Bãi Dài, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Công trình tầm cỡ quốc gia
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kiến trúc sư (KTS) Lâm Quang Nới cùng các cộng sự đã xây dựng cụm tượng “Những người nằm lại phía chân trời” đúng với tinh thần, mong mỏi của người dân cả nước; vừa thể hiện được sự linh thiêng vừa thể hiện hào khí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những người lính hải quân đã anh dũng hy sinh để bảo vệ bãi đá Gạc Ma 29 năm trước.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao cụm tượng “Những người nằm lại phía chân trời”
Cụm tượng cao 12 m (chưa tính đế), bề ngang 12 m. Bệ tượng là những đường nét uốn lượn thể hiện sóng biển. Trung tâm là hình tượng những chiến sĩ Hải quân Việt Nam, nổi bật là hình ảnh người lính giữ vững ngọn cờ Tổ quốc. Bên trên là một vòng cung, biểu tượng cho “vòng tròn bất tử” của những người lính hải quân quyết tử để giữ bãi đá Gạc Ma năm xưa.
KTS Ngô Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội KTS TP HCM, cho rằng tuy cần điều chỉnh một số hạng mục phụ trợ cho phù hợp hơn như thay đổi ánh sáng lạnh (ánh sáng trắng) với cường độ mạnh lối đi vào cụm tượng đài bằng ánh sáng ấm (ánh sáng vàng) với cường độ thấp để tôn lên sự linh thiêng của tượng đài nhưng nhìn tổng thể, đây là tượng đài đạt cả 2 mặt tâm linh và mỹ thuật.
Cũng theo KTS Lưu, ở khu tưởng niệm này sẽ không đặt một lư hương mà sẽ làm một vòng tròn dưới chân cụm tượng để làm nơi cho những người đến viếng thắp hương. Hình ảnh này còn thể hiện “vòng tròn bất tử” của những người lính hải quân quyết giữ bãi đá Gạc Ma 29 năm trước.
Là thành viên hội đồng nghiệm thu, họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, đánh giá: “Đây là một công trình mang tầm cỡ quốc gia và có ý nghĩa đặc biệt lớn đối với tấm lòng của người dân trong công cuộc bảo vệ đất nước”. Hội đồng thống nhất nghiệm thu cụm tượng “Những người nằm lại phía chân trời”. Trong những ngày tới, các đơn vị thi công sẽ hoàn thiện những hạng mục phụ trợ như khu mộ gió, bảo tàng ngầm để khánh thành giai đoạn 1 Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) tới.
Nghe như tiếng anh về
Sáng sớm cùng ngày, nhân kỷ niệm 29 năm sự kiện Gạc Ma (14.3.1988-14.3.2017), rất đông cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162 Vùng 4 Hải quân đã đến tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” để viếng 64 chiến sĩ anh dũng hy sinh khi bảo vệ bãi đá Gạc Ma. Trong bài diễn văn của mình, đại tá Phạm Văn Hoạt, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162, đã gọi 64 liệt sĩ ở Gạc Ma là những người con ưu tú của một dân tộc anh hùng. “Dẫu biết có thể hy sinh trước sự đe dọa cũng như những hành động dã man của kẻ thù nhưng với ý chí kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia, các anh quyết không lùi bước. Dũng cảm, ngoan cường, các anh chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển đảo đến hơi thở cuối cùng”.
Trong đoàn cán bộ ấy có đại tá Tống Xuân Quân, Chính ủy Lữ đoàn 162, nhân chứng sống trong sự kiện Gạc Ma. Tay cầm nén hương, mắt ông đăm đăm nhìn về phía những pho tượng. Có lẽ những giờ phút bi hùng năm xưa lại hiện về trong ông với những đồng đội lần lượt ngã xuống khi bảo vệ bãi đá Gạc Ma.
Trong ngày 14-3, không ai bảo ai, nhiều người dân ở TP Cam Ranh đã đến đây để dâng hương tưởng nhớ 64 anh hùng của lòng họ. “Các anh cũng chừng tuổi tôi nhưng đã làm được một việc phi thường và cả dân tộc này mãi ghi nhớ. Hãy về đây yên nghỉ nhé các anh” - ông Phùng Thế Hoàng, một giáo viên, bật khóc.
Ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, người đã có nhiều tâm huyết trong việc xây dựng Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - đã rất xúc động khi đến đây trong ngày đặc biệt này. “Ngày này 29 năm trước, các anh đã hy sinh. Đứng đây trong giây phút này, không riêng tôi mà nhiều anh em đều xúc động. Khu tưởng niệm là ý nguyện, sự đóng góp của nhân dân cả nước. Đây sẽ là nơi để 64 anh hùng chiến sĩ đã hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma được yên nghỉ. Đây cũng sẽ là nơi để gia đình, thân nhân của 64 liệt sĩ về viếng người thân của mình” - ông Tùng xúc động.
Bộc lộ được tình cảm, tinh thần của các chiến sĩ Gạc Ma
Chỉ huy xây dựng cụm tượng đài này là KTS Lâm Quang Nới, người có trên 150 công trình kiến trúc nổi tiếng, trong đó có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trước UBND TP HCM. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho rằng cụm tượng này đã bộc lộ được tình cảm, tinh thần của các chiến sĩ Gạc Ma “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. “Trong văn học, làm điều đó có thể không khó nhưng trong điêu khắc, làm được điều đó là không dễ nhưng ở đây đã làm được qua các mảng khối tạo hình của nhân vật, qua các dáng đứng, động tác, đặc biệt là sự biểu cảm của khuôn mặt. Đây là tác phẩm điêu khắc đá lớn ở ngoài trời, khó có thể chi tiết được như chân dung bằng đồng. Tôi cho rằng KTS đã rất thành công. Đây là một tượng đài đẹp, một tượng đài nghệ thuật, tượng đài văn hóa” - ông Thành đánh giá.
Tri ân 64 anh hùng liệt sĩ
Sáng 14-3, tại Nghĩa trang Liệt sĩ phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã diễn ra lễ tri ân 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh giữ đảo. Buổi lễ do gia đình anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương cùng đồng đội, Hội Cựu chiến binh tỉnh, UBND thị xã Ba Đồn và các cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức. Tại lễ tri ân, thông qua sự kết nối của cựu chiến binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo đã có 20 cựu chiến binh Gạc Ma cùng thân nhân gia đình các liệt sĩ Gạc Ma cùng hội tụ về bên phần mộ anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương.
Các cựu binh Trường Sa thả hoa đăng tưởng nhớ 64 chiến sĩ đã hy sinh Ảnh: BÍCH VÂN
Sáng cùng ngày, tại TP Đà Nẵng, Hội Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa 83 Chiến dịch CQ88 cũng đã tổ chức lễ tưởng nhớ 64 chiến sĩ Gạc Ma đã hy sinh anh dũng vào ngày 14-3-1988. Có mặt trong buổi lễ, thượng tá Hoàng Hoan, nguyên Chính ủy E83, cho rằng các anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc luôn sống mãi trong lòng mỗi người dân và Tổ quốc. Cựu binh Trần Đức Lợi cũng chia sẻ ông đến để tưởng nhớ đồng đội, những người đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trong trận hải chiến năm 1988. “Chúng ta và thế hệ mai sau sẽ không bao giờ quên công ơn và sự hy sinh của những chiến sĩ Gạc Ma. Các anh mãi bất tử trong lòng mỗi chúng ta” - ông Lợi xúc động. Sau lễ tưởng niệm, dâng hương, các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa năm xưa đã ra biển thả hoa đăng tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh. B.Vân - Tr.Minh
Bình luận (0)