1. Ngả ba biên giới, đầu mùa Xuân 1979, đơn vị chúng tôi tập kết quân để chuẩn bị chiến dịch giải phóng Campuchia, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary. Bộ đội nằm đầy rừng, xe pháo ì ầm suốt đêm. Những con đường rừng bị cày xéo, bụi dày cả lớp. Biên giới đầu mùa khô ngày nóng, đêm giá buốt. Những người lính trẻ măng hồi hộp chờ giờ nổ súng. Ngoài kia, mùa Xuân đang dọ bước nhưng với những người lính, phía trước chỉ có chiến trường…
Đêm 22-12-1979, đơn vị đánh cửa mở đã làm xong nhiệm vụ, có thương vong. Thương binh, liệt sĩ nằm dọc đường hành quân chờ đơn vị vận tải và thanh niên xung phong đưa về tuyến sau. Địch rút lui rất nhanh, đơn vị của chúng tôi phải hành quân bằng xe cơ giới đến Lom Phát. Công binh đi trước mở đường. Đường mở đến đâu cây rừng ngả đến đó, những đoàn quân tiến lên, vừa hành quân vừa tác chiến. Một thiệt hại bất ngờ xảy ra khi một tên lính Pol Pot leo lên cây cao dùng B40 bắn thẳng vào xe tăng làm một chiếc M113 của ta bốc cháy. Trận đánh giằng co khá lâu cho đến khi xe tăng T54 của sư đoàn tràn lên, khai thông trận địa.
Đêm 7-1-1979, từ chiếc radio của đại đội trưởng, chúng tôi được biết Phnom Penh đã giải phóng. Dưới tán rừng khộp, bộ đội hò reo dậy rừng. Những lon thịt hộp được khui ra mừng chiến thắng. Những tân binh như chúng tôi cứ tưởng chiến tranh sẽ nhanh chóng kết thúc nhưng sáng mai, mới hành quân chưa đầy 1 km thì đã gặp địch.
Chiếc xe Jeep chở anh Châu, Phó chính ủy trung đoàn, chạy gần đến một cái ngầm qua suối, cán phải mìn chống tăng, Thiếu tá Châu hy sinh. Cái ngầm ấy được bộ đội đặt tên là “ngầm ông Châu”.
Trong vòng hơn 2 tuần, sư đoàn chúng tôi giải phóng xong 2 tỉnh Taranakiri và Mondonkiri. Khi giải phóng xong thị xã Cô Nhét (tỉnh Mondonkiri) thì đã gần Tết. Chúng tôi đóng quanh thị xã Cô Nhét và ăn một cái Tết thật đặc biệt, chỉ ăn một bữa tươi chiều 30 Tết, có thịt. Đêm đón giao thừa ở thị xã Cô Nhét, bộ đội bắn pháo sáng rực trời. Nhìn về biên giới Việt Nam, những đơn vị còn nằm ở hậu cứ cũng vậy. Cái Tết đầu tiên ở chiến trường ấm áp cùng đồng đội nhưng nhớ quê nhà da diết.
Tết thường đồng nghĩa với những chiến dịch. Lần này, trung đoàn 812 của chúng tôi được lệnh đánh vào cứ điểm sư đoàn 920 của địch. Sư đoàn của địch gần như còn nguyên vẹn, rút chạy vào rừng cố thủ. Sáng mùng 1 Tết, bộ đội lấy cơm sáng cùng tiêu chuẩn mỗi người một cái bánh chưng và 2 quả đạn cối 82 li, mang giúp cho đơn vị pháo binh.
Mùa khô ở Đông Bắc Campuchia rất nghiệt ngã, không chỉ thiếu nước mà thời tiết rất khắc nghiệt; ngày nóng, đêm lạnh. Sáng mùng 1 Tết, cả đơn vị hành quân. Bóng dáng bộ đội lặng lẽ luồn rừng giữa tinh khôi của đất trời mùa Xuân. Những đơn vị hành quân trước đã có thương vong, thương binh được xe chuyển về tuyến sau.
Đêm mùng 1 Tết, đơn vị nghỉ đêm trong một khu rừng trúc khô cằn. Bộ đội được lệnh đào hầm cá nhân. Đất rất cứng, cộng với rễ cây trúc càng khó đào nhưng ít ra cũng phải đào được một cái hầm nhỏ đút vừa lọt cái đầu để giữ “gáo”. Tôi hì hục đào xong cái hầm cho mình và tự thưởng cho mình nguyên chiếc bánh chưng mang theo.
Đêm mùa Xuân ở chiến trường cô quạnh. Thi thoảng, từ cánh rừng xa xa, những quả mìn nổ như xé không gian thẫm đặc. Từ căn hầm bên kia, một đồng đội nào đó cất tiếng hát “Xuân này con không về…”. Đại đội trưởng đi kiểm tra các vọng gác cũng cất tiếng hát theo… Chiến trường không có mùa Xuân!
2. Cuối mùa Xuân 1979, đơn vị chúng tôi có một cuộc hành quân “bí ẩn”. Từ chiến trường Đông Bắc, tỉnh Mondonkiri, hành quân bằng quân xa về sân bay Pleiku.
Nguyên sư đoàn, một số tập kết ở sân bay Pleiku, nhiều đơn vị khác về thẳng ga Diêu Trì (tỉnh Bình Định). Có nhiều tin đồn chúng tôi sẽ hành quân ra biên giới phía Bắc đang hồi ác liệt nhưng cuối cùng thì những chuyến bay hướng thẳng đến một nơi rất xa lạ - sân bay Battambang, miền Tây Bắc Campuchia. Sân bay này gắn bó máu thịt với chúng tôi vì sau này anh em hy sinh đều được chôn tạm ở đó.
Tôi may mắn được di chuyển bằng tàu lửa, xuất phát từ chính ga Diêu Trì - quê tôi - để vào TP HCM. Một cầu không vận được thiết lập để đưa cả sư đoàn đến chiến trường mới, tỉnh Battambang. Tin đồn lan nhanh khi bộ đội với đầy đủ khí tài, đạn dược đóng quân quanh khu vực gần ga Diêu Trì chờ tàu. Nhiều thân nhân bộ đội quê ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi ùa đến thăm.
Những chuyến tàu lăn bánh đưa chúng tôi vào chiến trường mới. Ai đó đọc bài thơ Chiều sân ga của Lê Văn Vọng: “Con tàu đi xuyên đêm/Những người lính bước vào trận mới…/Những người lính mười tám, đôi mươi/Bàn tay như bàn tay con gái/Những chiến sĩ như ban mai/Chia tay/Không hẹn ngày trở lại...”. Những bàn tay vẫy vẫy, nước mắt của mẹ, nước mắt của em, nước mắt của cha chìm lẫn trong tiếng hú dài của con tàu đưa chúng tôi vào chiến trường. Thôi, về đi em cho con tàu lăn bánh, để cả nước hành quân…
3. Pailin, đồng đội chúng tôi không bao giờ quên địa danh này, hồi đó là một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Battambang, nằm sát biên giới Thái Lan.
Đó là một địa danh rất nổi tiếng, có mỏ đá quý lừng danh thế giới và cũng là vùng đất vô cùng khắc nghiệt với sốt rét nổi tiếng. Tôi đã có 3 mùa Xuân ở địa danh lẫy lừng này, sống chung với sốt rét ác tính, với rừng cà phê thơm ngát nhưng lại không một giọt nước vào mùa khô và mìn, mìn dày đặc…
Trung đoàn chúng tôi đóng quân ở Pailin khá lâu, xây dựng hàng loạt điểm chốt trên dãy núi cao dọc biên giới. Bộ đội chủ yếu sống trên chốt và truy quét quân địch từ bên kia biên giới luồn vào.
Nhờ đóng quân một chỗ khá lâu nên công tác hậu cần được tổ chức khá tốt. Tết đến, anh em vẫn có thịt bò, thịt heo tươi nhưng đôi khi gùi thịt lên chốt cũng phải trả giá bằng máu. Ba cái Tết ở Pailin cũng có ba chiến dịch truy quét khác nhau, đều hành quân vào ngày mùng 1 Tết.
Tối 30 Tết năm 1980, tổ trinh sát trung đoàn luồn sâu sang biên giới. Trên đường về đụng địch, anh Tùng đại đội trưởng trinh sát bị thương rất nặng, mất cả hạ bộ, rất khó cấp cứu. Không thể hành quân tiếp vì địch bắn cối cô lập chúng tôi giữa rừng sâu, đành rúc rừng ngủ qua đêm.
Đêm ấy, anh Tùng hy sinh, được chôn tạm dưới tán cây lớn nhất ở khu vực này. Cách đây không lâu, có dịp về thăm nghĩa trang Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), tình cờ bắt gặp mộ anh Tùng. Nhớ anh, nhớ cả tiếng rên rỉ của anh vang khắp núi rừng trong cái đêm dữ dội ấy…
Những ngày giáp Tết năm 1980, những chiếc máy bay OV 10 của Thái Lan bay trên đầu chúng tôi phát những bản nhạc buồn. Những tờ truyền đơn rải đầy rừng. Một hôm, chiếc OV 10 bay khá thấp, ra rả tuyên truyền bằng tiếng Việt rất chuẩn, xạ thủ đại liên Nguyễn Văn Thạnh đưa khẩu M60 tính bắn nhưng bị đại đội trưởng ngăn kịp thời…
Hơn 35 năm trôi qua, những cái Tết ở chiến trường giờ đã trở thành ký ức, ký ức một thời đạn bom nhưng đồng đội tôi không bao giờ quên.
Không thể quên được cái thời mà chiều 30 Tết bạn mời ta ghé hầm uống chén rượu tàn năm, nghe Thanh Hoa hát bài Một mùa xuân nho nhỏ: Mùa xuân người cầm súng, lộc giắt đầy trên lưng; mùa xuân người ra đồng, lộc trải dài nương lúa…
Lặng lẽ dâng cho đời
Hai năm trước, chúng tôi trở lại Pailin, cũng vào mùa Xuân ấm áp. Pailin bây giờ đã tách ra thành một tỉnh riêng, trù phú và xanh tươi. Trong buổi chiều vàng nắng mật ong, chúng tôi về chiến trường xưa để nhớ lại một thời tuổi trẻ khốc liệt của chính mình, để tưởng nhớ những đồng đội không bao giờ trở lại. Họ đã trở thành mùa Xuân, những mùa Xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời...
Bình luận (0)