Lễ hội Yến sào Khánh Hòa như một minh chứng gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Theo sử sách, năm 1328, trong chuyến công cán phương Nam, Đề đốc thủy quân nhà Trần là Lê Văn Đạt cùng đoàn quân gặp bão lớn, nên thuyền dạt vào đảo Hòn Tre (Khánh Hòa). Tại đây, sau khi phát hiện các đảo yến, ông thành lập đội quân bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên này. Nghề yến sào nước ta ra đời từ đó và ông được đời sau suy tôn là Thủy tổ nghề yến sào Việt Nam.
Đảo Hòn Nội nhìn từ miếu thời tổ nghề yến
Những người có công kế nghiệp Thủy tổ nghề yến là An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang và con gái là bà Lê Thị Huyền Trâm. Dưới thời Tây Sơn, bà Lê Thị Huyền Trâm được giao chỉ huy đội thủy quân tại dinh Bình Khang kiêm tổng quản quần đảo Hòn Tre và các đảo yến. Bà đã tổ chức khai thác, xuất khẩu yến sào làm nguồn tài chính, hậu cần, quân nhu… cho nhà Tây Sơn.
Ngày 10-5 năm Kỷ Sửu (1793), trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc và các đảo yến, Đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm cùng An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang đã anh dũng hy sinh.
Từ đó, ngày 10-5 âm lịch hằng năm, người dân địa phương tổ chức cúng giỗ Thánh mẫu Lê Thị Huyền Trâm và tướng sĩ Tây Sơn. Lễ hội Yến sào Khánh Hòa được tổ chức tại đền thờ Tổ nghề yến trên đảo yến Hòn Nội, để ghi nhớ công ơn các bậc tiền bối ngành nghề yến sào và những người ngã xuống vì biển đảo quê hương.
Hiện nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa là doanh nghiệp nhà nước quản lý 32 đảo yến với 169 hang yến trải dài từ huyện Vạn Ninh đến TP Cam Ranh. Cuối tháng 3 vừa qua, Tổ chức kỷ lục châu Á đã trao tặng Công ty này chứng nhận Kỷ lục số lượng hang đảo yến nhiều nhất, sản lượng khai thác yến sào đảo thiên nhiên lớn nhất châu Á.
Bình luận (0)