Trở lại những điểm bán vé xe Tết của các hãng Đình Nhân, Tuấn Tú, Xuân Tùng... (quận Bình Tân, TP HCM) ngày 17-1, chúng tôi nhận thấy hành khách khá đông. Tại bãi xe Tuấn Tú, nhân viên luôn khép cổng để né lực lượng chức năng kiểm tra, chỉ chừa hờ lối đi chừng 1 m. Bên trong, 2 xe giường nằm sẵn sàng xuất bến. Hơn 50 khách đứng, ngồi với hàng hóa lỉnh kỉnh. Kế đó, bãi xe Xuân Tùng cũng có nhiều khách đến chờ về miền Trung...
Loạn giá
Khi chúng tôi hỏi vé xe đi Đà Nẵng ngày 27 tháng chạp, nhân viên hãng xe Đình Nhân cho biết giá 1,1-1,2 triệu đồng/giường nằm, tăng gấp 3 lần ngày thường. Chê mắc, chúng tôi đổi sang ngày 18 tháng chạp, một nhân viên liền báo giá 750.000-800.000 đồng/vé, tăng 40%-50% ngày thường, cao gấp đôi hãng Phương Trang. “Chưa đến ngày cao điểm, tại sao giá vé tăng dữ vậy?” - chúng tôi thắc mắc. “Thời điểm đó thì hãng nào cũng tăng rồi” - nhân viên này thản nhiên.
Khi chúng tôi gọi điện đặt vé hãng Xuân Tùng, nhân viên cũng hét giá từ TP HCM đi Quảng Nam ngày 21 tháng chạp là 1,1 triệu đồng/giường nằm. Chúng tôi hỏi thêm giá vé ngày 19 tháng chạp, nhân viên lạnh lùng bảo đến văn phòng mua vì không có thời gian trả lời, rồi cúp máy.
Hãng xe Cẩm Vân lấy giá vé TP HCM - Đà Nẵng những ngày trước 22 tháng chạp đến 850.000 đồng/giường nằm, qua thời điểm này tăng lên 1 triệu đồng, trong khi ngày thường chỉ 300.000-400.000 đồng. Tuyến TP HCM - Quảng Ngãi của xe Tuấn Tú hết vé giường nằm cho các ngày cao điểm, riêng ghế ngồi giá 680.000 đồng, cao gấp đôi ngày thường.
Trong khi đó, trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, nhà xe B.T bán vé tuyến TP HCM - Quy Nhơn với giá 750.000-900.000 đồng/chỗ những ngày giáp Tết, tăng gấp 2,5 lần ngày thường. Hành khách phải đặt cọc trước 300.000 đồng.
Nhiều hãng bán vé trên đường Lê Hồng Phong (quận 10) có xe chạy tuyến TP HCM đi Ninh Thuận, Nha Trang... cũng báo giá cao gấp 2-3 lần so với ngày thường. Một số hãng hoạt động open tour tại khu vực đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 cũng tăng giá xe vô tội vạ cho các tuyến đi miền Trung.
Tết năm nào anh Nguyễn Tuấn Anh - ngụ gần ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, TP HCM - cũng cùng gia đình đi xe hãng C.X về Quảng Nam. “Tuy giá cao hơn cả xe chất lượng trong bến nhưng khách không phải chen lấn, xếp hàng cực khổ như tại hãng Phương Trang mấy ngày qua. Biết là xe dù nhưng đi xe đời mới cũng yên tâm. Xe có máy lạnh đàng hoàng, không nhồi nhét, lại đưa khách đến tận nhà” - anh Tuấn giải thích vì sao mình chọn xe dù.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người cùng quê, cùng xóm ở miền Trung thường mua vé tập thể tại những nhà xe này vì “năm nào cũng đi nên quen”. Chính vì có lượng khách ổn định nên nhà xe không ngại hét giá cao gấp 2-3 lần ngày thường, so với giá vé trong bến thì gấp 3-4 lần.
Giá vé rẻ đồng nghĩa với chất lượng thấp. Đa phần xe ủy thác cho bến bán vé là xe cũ, ghế ngồi không êm, đi xa rất bất tiện. Đó là chưa kể phương tiện tăng cường vào những ngày cao điểm Tết là xe buýt - chất lượng hạn chế, tài xế không quen đường khiến hành trình kéo dài.
“Khách thường có tâm lý chọn xe thương hiệu, trong khi chất lượng xe trong bến còn hạn chế. Vì vậy, dù bán vé không giới hạn, phục vụ theo nhu cầu nhưng hơn nửa tháng nay, bến chúng tôi chỉ bán gần 1.000 vé” - ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết.
Không quản nổi xe dù
Theo ông Hải, việc xe dù loạn giá gây bức xúc lớn cho doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách trong Bến xe Miền Đông. DN chấp hành nghiêm quy định không phụ thu quá 60% thì thiệt thòi nhưng nếu tăng quá mức sẽ bị “tuýt còi” ngay. Trong khi đó, các DN bên ngoài tăng giá vô chừng mà chẳng ai xử lý.
Mới đây, lãnh đạo Bến xe Miền Đông đề xuất Thanh tra Sở Tài chính TP HCM có biện pháp xử lý các DN bên ngoài nhưng thanh tra cho biết không có cơ sở xử lý. Thanh tra Sở GTVT thì cho biết chỉ có thẩm quyền xử lý hành vi dừng đậu, đón khách không đúng quy định… Vậy trách nhiệm quản lý giá vé thuộc về ai? Theo ông Hải, mấu chốt là CSGT, Thanh tra Sở GTVT và chính quyền địa phương, nếu dẹp được xe dù thì không lo chuyện hét giá, bắt chẹt khách.
Bức xúc trước thực trạng này, một DN có xe hoạt động trong Bến xe Miền Đông ngao ngán: “Việc siết xe dù núp bóng xe hợp đồng chưa xong thì làm sao quản được giá vé của các hãng này?”.
Ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ Sở GTVT TP HCM, cho rằng với các xe hoạt động ngoài bến bãi, trách nhiệm trước hết thuộc về CSGT, Thanh tra GTVT và chính quyền sở tại (UBND phường, xã, quận). Theo ông, để hạn chế việc DN tăng giá vô tội vạ, hành khách nên vào bến mua vé của các xe không thương hiệu, tuy chất lượng phục vụ kém hơn một chút nhưng đáp ứng được nhu cầu và quan trọng là đi đến nơi, về đến chốn an toàn.
Nhiều ý kiến cho rằng để quản lý xe dù hiệu quả, nhất là vào dịp Tết, cần có một “nhạc trưởng” như UBND TP.
Còn nhiều vé tàu Tết đi miền Trung
Ga Sài Gòn cho biết hiện còn khoảng 9.000 vé tàu Tết chiều TP HCM - Hà Nội đi các ngày từ 20 đến 22-1 (20-22 tháng chạp) và 29-1 (29 tháng chạp). Chiều vào TP HCM sau Tết còn 12.000 vé đi các ngày 3, 4, 5-2 và từ 9 đến 15-2, chủ yếu các ga từ Hà Nội đến Thanh Hóa (phần lớn là tàu SE13, SE17).
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn, do nhu cầu hành khách đi về miền Trung nhiều trước Tết nên từ ngày 16-1, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn chấp thuận cho ga Sài Gòn cắt chỗ những ga xa như Hà Nội, Vinh chuyển qua bán cho các ga Quảng Ngãi, Diêu Trì. Hành khách nào có nhu cầu mua vé đi tàu đến các ga khu vực miền Trung vào thời điểm trên thì liên hệ với ga Sài Gòn.
Ngoài ra, hiện ga Sài Gòn còn khoảng 4.000 vé ghế phụ của các đoàn tàu Thống Nhất trong những ngày cao điểm (20 đến 23-1) đi các ga từ Quảng Ngãi trở ra và 2 ngày 28, 29-1 đi các ga từ Huế trở ra.
Theo kế hoạch, từ ngày 20-1, nhân viên ga Sài Gòn sẽ bắt đầu kiểm tra vé của hành khách đi tàu đến các ga từ Nha Trang ra Hà Nội. Theo quy định, tên và số CMND in trên vé phải trùng với tên và CMND của người đi tàu thì mới hợp lệ.Q.Hiền
Bình luận (0)