Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa phát hiện khá nhiều container nhập về Việt Nam không đúng tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều xe sơ mi rơ-moóc nhập về đã có sự sai khác rất nhiều so với tiêu chuẩn, khi xếp hàng vào thì đều vượt tải trọng theo quy định. Thông tin này được ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết tại buổi giao lưu trực tuyến về chống tiêu cực trong kiểm soát trọng tải xe do Báo Giao Thông tổ chức chiều 28-7.
Hiện có khoảng 7.000 xe rơ-moóc đang rơi vào tình trạng có sai khác về thiết kế nên Bộ GTVT đã cho phép điều chỉnh lại thiết kế và tải trọng trục để đáp ứng các quy định. Theo đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an), 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng phát hiện 47.000 trường hợp vi phạm chở quá trọng tải 22%, hơn 18.000 phương tiện bị tạm giữ.
“Hiện bình quân 20%-25% số xe bị dừng kiểm tra có vi phạm tải trọng. Cá biệt, tại tỉnh Bình Thuận có 38,5% số xe bị dừng vi phạm” - ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT, nói và cho biết thanh tra giao thông đang gặp nhiều khó khăn trong phối hợp xử lý với CSGT. Có tình trạng 2-3 xe giả vờ đi ì ạch, khi bị CSGT dừng xe thì các xe đi sau cứ thế vượt trạm. Trong trường hợp này, nếu CSGT không dừng được tiếp từ xe thứ 4 thì thanh tra giao thông sẽ dừng và chịu trách nhiệm vì luật đã quy định. Tuy nhiên, nếu có đủ lực lượng để dừng cả đoàn xe một lúc để kiểm tra thì sẽ gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng an toàn giao thông.
Ông Sỹ cho biết nhiều địa phương không thực hiện đúng theo công điện của Thủ tướng Chính phủ phải kiểm soát trọng tải 24/24 giờ và 7/7 ngày. Điển hình như ở Bình Thuận chỉ kiểm soát 83% số giờ, Hà Tĩnh 78%. Ngoài ra, có việc kiểm tra thấy xe có dấu hiệu vi phạm tải trọng mà không dừng kiểm tra. Việc này có thể do nghiệp vụ “non” nên không phát hiện vi phạm nhưng cũng có thể biết vi phạm mà làm ngơ, không xử lý đầy đủ.
Tiếp nhận phản ánh, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng nếu phát hiện CSGT “có vấn đề” trong phối hợp xử lý với thanh tra giao thông thì có thể phản ánh về đường dây nóng của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt. “Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp vận tải lưu ý tới đường dây nóng của cục là 069.42608. Chúng tôi tiếp nhận các phản ánh và xử lý ngay” - ông Tuấn khẳng định.
Ông Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT và Bộ Công an sẽ xây dựng một thông tư phối hợp giữa 2 lực lượng thanh tra giao thông và CSGT trong việc kiểm soát trọng tải xe hiệu quả hơn.
Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, theo hướng chỉ phạt xe quá tổng trọng tải được phép chở theo giấy đăng ký xe; tiền phạt lũy tiến theo số lượng hàng hóa quá tải và số km chở quá tải; chỉ xử phạt chủ hàng, chủ xếp dỡ, chủ xe, không phạt lái xe. Số tiền thu được đưa vào xây dựng công trình giao thông.
Chấn chỉnh tình trạng Báo Người Lao Động nêu
Ngày 28-7, thượng tá Nguyễn Đức Minh, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đang kiểm tra một số nội dung Báo Người Lao Động đã phản ánh để kịp thời chấn chỉnh, đồng thời có chỉ đạo đối với lực lượng CSGT khi tham gia làm nhiệm vụ tại trạm cân không được rời hiện trường.
Ngày 24-7, Báo Người Lao Động có bài phản ánh tình trạng một số ca trực của lực lượng CSGT làm việc tại trạm kiểm tra tải trọng xe tỉnh Thừa Thiên - Huế lơ là, bỏ vị trí đi ăn cơm, bỏ về khi ca trực mới chưa nhận nhiệm vụ... nên tạo điều kiện cho nhiều xe quá tải vô tư qua trạm. Ông Minh cũng cho biết đang xác minh thông tin tại trạm này có một số “cò” thường xuyên lai vãng để có biện pháp đối phó; làm rõ các “cò” này liệu có liên quan đến CSGT hoặc có hành vi đe dọa, lừa lọc lái xe trong việc hứa dắt xe qua trạm hay không...
Q.Nhật
Bình luận (0)