Người dân kéo nhau tới khu vực vệt sáng lao xuống gây ra tiếng nổ
Trao đổi với Báo Người Lao Động chiều 9-7, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, khẳng định không có bất cứ chuyến bay nào kể cả quân sự và dân sự gặp sự cố tại địa phận của huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) vào thời điểm có vệt sáng bay trên bầu trời và phát nổ tối 8-7.
Tướng Tuấn cho biết đến thời điểm chiều 9-7, ông đã chỉ đạo cho rà soát, kiểm tra thông tin và khẳng định không có bất kỳ sự cố nào liên quan đến máy bay quân sự, dân sự ở khu vực này vào thời điểm xảy ra vụ vệt sáng phát nổ. “Vệt sáng trên bầu trời kèm theo tiếng nổ lớn mà người dân địa phương ở Hà Tĩnh cũng như một số nơi khác có thể quan sát được, nhiều khả năng là mảnh rác vũ trụ. Khi mảnh rác vũ trụ rơi vào bầu khí quyển thì bốc cháy và phát ra tiếng nổ" - Trung tướng Tuấn nhìn nhận.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, TS Lê Huy Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết Viện chỉ có thể quan sát các hiện tượng về động đất, biến thiên của trường từ của trái đất, còn các hiện tượng như kiểu thiên thạch rơi và cháy trong không gian thì Viện không có thiết bị để quan sát và chụp ảnh.
Trong khi đó, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA), cho biết ở Việt Nam hiện nay chưa có một cơ quan nào chuyên nghiên cứu về hiện tượng như xảy ra đêm 8-7 ở Hương Sơn, Hà Tĩnh.“Nó chỉ là một khoảnh khắc rất nhanh, mang tính chất bất ngờ và hãn hữu xảy ra, vì vậy không thể dự đoán trước được những vụ việc nhỏ nhỏ như vậy. Kể cả trên trên thế giới nếu có thì họ cũng chỉ quan sát được hiện tượng này một cách vô tình mà thôi” - ông Sơn nói.
Theo nhận định của ông Sơn, hiện tượng xảy ra ở Hương Sơn đêm 8-7 nếu đúng là có vệt sáng và tiếng nổ lớn thì đó là tảng thiên thạch chứ không phải rác vũ trụ. “Thiên thạch là tảng đá trong hệ mặt trời do lực hấp dẫn của trái đất kéo nó vào. Còn rác vũ trụ thì đó có thể là những mảnh của những vệ tinh cũ không dùng nữa nó bay lạc trong vũ trụ quanh quỹ đạo trái đất rồi vô tình bị rơi xuống, hay phần nào đó của tàu vũ trụ do chúng ta phóng lên và những mảnh vụn của nó có thể rơi xuống” - ông Sơn phân tích.
Cũng theo ông Sơn, nếu là rác vũ trụ thì thường nhỏ nên không thể gây ra tiếng nổ rất lớn khi rơi xuống đất, ngoài ra tầm quan sát cũng chỉ trong bán kính vài km chứ ở xa vài chục km không thể quan sát được, trừ khi đó phải là cả một cái tàu vũ trụ.
Nếu hiện tượng đêm 8-7 ở Hà Tĩnh là vệt sáng lao xuống rồi gây ra tiếng nổ rất lớn thì khả năng rất cao là tảng thiên thạch. Bình thường khi tảng thiên thạch lao vào khí quyển trái đất nó sẽ bốc cháy, nhưng nếu tảng thiên thạch lớn thì nó không cháy hết trong khí quyển mà nó lao xuống mặt đất với tốc độ rất cao rồi gây ra tiếng nổ. “Tuy nhiên muốn kết luận chính xác thì phải tìm được hiện trường vụ nổ và tìm được những mảnh vụn còn sót lại mới có thể khẳng định nó là gì” - ông Sơn cho biết.
Trước đó như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo thông tin ban đầu, vào khoảng 22 giờ đêm ngày 8-7, người dân xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) bất ngờ thấy một vệt sáng rất lớn lao từ trên trời xuống. Sau đó, một tiếng nổ rất lớn ở khu vực rừng núi thuộc khu vực biên giới Việt Nam - Lào.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND Huyện Hương Sơn Võ Văn Phúc xác nhận: “Có tiếng nổ rất lớn ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Hiện đã giao lực lượng Biên phòng Việt Nam và liên hệ với Biên phòng Lào tìm hiểu vụ việc. Tuy nhiên, sau tiếng nổ lớn chưa thấy xuất hiện đám cháy và khu vực rừng núi rộng nên chưa xác minh được vị trí tiếng nổ và cũng chưa xác định vị trí nổ thuộc địa phận Việt Nam hay Lào”.
Bình luận (0)