xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

VỊ ĐẮNG HẬU TÁI ĐỊNH CƯ (*): Sống cơ cực ở vùng tái định cư

Tuấn Minh

Chuyển đến nơi ở mới để nhường chỗ cho dự án hồ chứa nước Cửa Đạt nhưng đã 12 năm qua, cuộc sống của hơn 400 hộ dân vẫn vùi trong đói nghèo và thiếu thốn đủ đường

Năm 2002, xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, bị “xóa sổ” để nhường chỗ cho dự án hồ chứa nước Cửa Đạt. Gần 2.000 hộ dân với trên 10.000 nhân khẩu phải di dời đến nơi mới, trong đó có hơn 400 hộ chuyển đến vùng tái định cư (TĐC) ở xã Thanh Kỳ và xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, sinh sống. Sau 12 năm chuyển đến vùng đất mới, mọi thứ đối với người dân vẫn không có gì thay đổi. Ngược lại, họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nước, đất sản xuất, bệnh tật…

“Khát” quanh năm

Bốn thôn TĐC Tân Hùng, Khe Cát, Thanh Xuân, Tân Mỹ ở xã Thanh Tân nằm xa tít, toàn đường rừng quanh co heo hút. Trong đó, thôn xa nhất là Tân Hùng cách trung tâm xã khoảng 7 km. Bà Lò Thị Bình, thôn Tân Hùng, buồn rầu: “Ngày trước ở Xuân Mỹ, gia đình tôi có tới 10 sào đất để canh tác cộng với việc đi rừng lấy củi, lấy măng… thì cuộc sống cũng tương đối. Nhưng từ khi chuyển đến đây, cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào 1 sào lúa nước và 2 sào đất màu nên quanh năm phải thiếu ăn”.

Bữa cơm của người dân vùng TĐC xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa chỉ có rau rừng
Bữa cơm của người dân vùng TĐC xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa chỉ có rau rừng

Ông Vi Ngọc Tuyên, Bí thư Chi bộ thôn Tân Hùng, cho biết thôn có 147 hộ nhưng tới 71 hộ nghèo, thôn có 18 ha lúa nước thì có tới một nửa không cấy được vì thiếu nước. “Toàn thôn có 17 giếng công cộng nhưng cứ đến mùa khô thì chỉ 5 cái còn nước, số còn lại luôn trơ đáy” - ông Tuyên nói.

Cũng rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” như dân TĐC ở xã Thanh Tân, gần 200 hộ dân tại 2 thôn Đồng Tiến và Đồng Tâm của xã Thanh Kỳ cũng đang “mếu máo” vì không có đất sản xuất, thậm chí vào mùa khô họ còn đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Do cuộc sống khổ đủ đường nên đã 12 năm trôi qua, mọi thứ ở đây dường như không có gì thay đổi, thậm chí nhiều căn nhà đã xuống cấp mà không có tiền để sửa sang, làm mới.

Theo ông Hà Văn Dựng, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Tâm, chuyển đến vùng đất mới đã 12 năm thì chỉ vài năm đầu là có nước sinh hoạt và sản xuất, đến các năm tiếp theo thì thường xuyên đối mặt với cảnh thiếu nước. “Cả thôn có tới 13 giếng nước nhưng 9 cái thường xuyên cạn, còn lại không thể cung cấp đủ nước sinh hoạt cho 95 hộ/456 nhân khẩu của thôn. Vì thế, việc tắm giặt của bà con toàn ra suối, ra mương nên rất mất vệ sinh” - ông Hà Văn Dựng nói.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy những vùng TĐC này đã được xây dựng tới 16 bể chứa nước nhưng có rất nhiều bể mới xây xong đã phải hạ độ cao đáy bể và cho đến nay, hầu hết đã hoang hóa từ lâu. Còn nhiều hồ chứa nước phục vụ sản xuất được xây dựng nhưng đã xuống cấp, không phát huy được tác dụng.

Ông Ngân Quốc Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân, cho biết trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân cũng có phản ánh về tình trạng thiếu nước, đất sản xuất. “Về nước thì cũng có cơ quan chức năng cấp trên về khảo sát và tính phương án dẫn nước từ trên đồi về cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa triển khai vì thiếu kinh phí” - ông Duyên nói.

HIV/AIDS bủa vây

Khi người dân vùng lòng hồ Cửa Đạt chuyển về 2 xã Thanh Kỳ, Thanh Tân định cư, có rất nhiều tệ nạn xã hội len lỏi theo như nghiện ngập, hút chích… Đặc biệt, căn bệnh thế kỷ mang tên AIDS đã tràn về lúc nào không ai hay, chỉ khi trong thôn có người đang khỏe mạnh bỗng nhiên đổ bệnh mà chết thì mọi người mới biết.

Người đầu tiên trong thôn Đồng Tiến chết vì AIDS là anh L.V.N (SN 1983). Sau đó, trong thôn liên tiếp có 3 người nữa chết vì bệnh này khi tuổi đời còn rất trẻ. Rất nhiều người có liên quan với những người đã chết cũng nhiễm HIV.

Theo ông Lê Quang Sự, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Tiến, hiện 13 người trong thôn đang nhiễm HIV, trong đó có 4 cặp vợ chồng. “Hầu hết các cặp vợ chồng này đều có con nên cũng có 5-6 trường hợp nằm trong diện nghi ngờ. Tuy nhiên, họ không đi khám nên chúng tôi cũng không dám khẳng định” - ông Sự cho biết.

Ông Lê Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Kỳ, cho biết có 17 người trong xã nhiễm HIV, riêng thôn Đồng Tiến là 13 người, còn lại ở các thôn khác. Ngoài ra, còn có gần 10 người sử dụng và tiêm chích ma túy.

Theo ông Lương Đình Thông, Trưởng Công an xã Thanh Tân, hiện địa phương này có tới 14 đối tượng nghiện hút, tiêm chích, trong đó 1 người nhiễm HIV. “Đại đa số con nghiện đều tập trung ở các khu TĐC, nhiều nhất là ở thôn Tân Hùng. Kể từ khi người dân vùng lòng hồ Cửa Đạt về đây, đã kéo theo cơn lốc ma túy, nhiễm HIV khiến tình hình địa phương trở nên phức tạp” - ông Thông nói.

Ông Trương Thanh Tĩnh, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Như Thanh, thẳng thắn: “Ngay từ ngày đầu triển khai, mặt bằng TĐC cho người dân đã không bảo đảm. Chính quyền huyện cũng rất quan tâm đến người dân vùng TĐC nhưng vẫn chưa tìm ra cách nào để tháo gỡ khó khăn cho họ”.

Ông Bùi Công Anh, Phó trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, cho biết người dân thiếu đất sản xuất cũng có nhưng không nhiều lắm. “Người dân vẫn đang còn trông chờ, ỷ lại, không tự lo cho mình. Có nhiều hộ được đền bù vài tỉ đồng nhưng mua sắm, ăn chơi hết...” - ông Anh nói.

Theo ông Anh, chi cục rất quan tâm đến người dân vùng TĐC, năm nào cũng có chương trình hỗ trợ họ những lúc Tết đến hay thiếu ăn mùa giáp hạt. Thế nhưng, điều cốt yếu nhất là họ cũng phải tự lo cho mình, nhà nước làm sao hỗ trợ mãi được. “Tình hình HIV/AIDS và nghiện hút ở vùng TĐC cũng đáng báo động, điều này chi cục đã chỉ đạo chính quyền xã, huyện tuyên truyền cho người dân thấy được sự nguy hiểm để biết cách phòng tránh” - ông Anh cho biết.

Kỳ tới: Đói, khát và... tệ nạn

Công trình hồ chứa nước Cửa Đạt được khởi công xây dựng từ tháng 2-2004 và hoàn thành vào tháng 5-2010, tổng kinh phí đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng. Sau khi chặn dòng sông Chu sẽ tạo ra khu vực lòng hồ rộng lớn với sức chứa 1,3 tỉ m3 nước. Để nhường chỗ cho công trình, hơn 2.000 hộ dân với trên 10.000 nhân khẩu phải chuyển đi nơi khác sinh sống. Trong đó có hơn 400 hộ dân được chuyển tới vùng TĐC các xã Thanh Tân, Thanh Kỳ của huyện Như Thanh.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo