Trước đó, tháng 9-2010, Lào gửi thông báo về dự án cho các nước thành viên trong Ủy hội sông Mê Kông (MRC). Ban Thư ký đã yêu cầu cung cấp các thông tin theo đúng quy định của thủ tục thông báo, tham vấn và thỏa thuận của MRC (Procedures for Notification, Prior Consultation and Agreement/PNPCA). Sau đó, Lào đã bổ sung thông tin, số liệu và MRC đã chính thức gửi tài liệu cho các quốc gia vào đầu tháng 10-2010. Hiện nay, MRC đã lập nhóm công tác và đang tiến hành tiến trình tham vấn. Theo quy định tại PNPCA, cần 6 tháng cho tiến trình này và MRC dự kiến tháng 4-2011 sẽ hoàn tất tiến trình.
Phía Lào rất muốn tiến hành xây dựng dự án thủy điện Xayaburi, đã ký thỏa thuận về giá điện với phía Thái Lan và sẽ tiếp tục ký các thỏa thuận tiếp theo.
Xayaburithuộc vùng Bắc Lào,phần hạ lưu vẫn còn nhiều nhập lưuvừa ảnh hưởng tới nguồn nước của Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng về xâm nhập mặn sẽ rất lớn. Mặc dù bản thân đập dâng Xayaburi tác động đến môi trường không lớn như hồ chứa thủy điện, lại có Biển Hồ (Campuchia) điều tiết tự nhiên nhưng tác động tiềm tàng và tích lũy, nghiêm trọng là tạo ra tiền lệ cho việc xây dựng hàng loạt dự án thủy điện trên dòng chính, sẽ gây ra những tác động môi trường to lớn cho các nước ở hạ lưu, nhất là Việt Nam. Theo một số tổ chức môi trường, nếu Xayaburi đi vào vận hành sẽ hủy hoại vĩnh viễn môi trường sống và hệ sinh thái của sông Mê Kông, đẩy 41 loài cá tới nguy cơ tuyệt chủng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân trong lưu vực.
Các nhà máy thủy điện kiểu đập dâng thường là loại nhà máy điều tiết ngày, có chức năng trữ nước trong ngày và phát điện giờ cao điểm. Khi trữ nước, phía hạ lưu không có dòng chảy nên việc sử dụng nước ở đây bị ảnh hưởng khiến các loài thủy sinh,giao thông thủy gặp khó khăn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sâu hơn. Nếu xây dựng ở Xayaburi thì ngay Vientiane và Nam Lào cũng bị ảnh hưởng. Đây là bài toán đánh đổi “được và mất” khi con người tác động vào tự nhiên. Chắc chắn phía Lào cho rằng được nhiều hơn mất nên cương quyết xây dựng Xayaburi.
Sông Mê Kông là con sông quốc tế, ở phía thượng lưu Trung Quốc đã xây 4 đập thủy điện lớn và sẽ hoàn tất sơ đồ bậc thang 8 đập gây ảnh hưởng lớn đến các nước ở hạ lưu. Tinh thần Mê Kông chủ yếu thể hiện trong sự hợp tác của MRC gồm 4 nước hạ lưu vực Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam nhưng vẫn còn rất hạn chế so với ước vọng. MRC đã thuê công ty tư vấn tiến hành nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược của sơ đồ phát triển thủy điện trong lưu vực sông Mê Kông. Cần phải có đánh giá tác động môi trường của dự án và rà soát trong bài toán tổng thể quản lý lưu vực sông theo các quy định của quốc tế.
Giải pháp thích hợp nhất là hoãn lại 10 năm để MRC, các tổ chức môi trường quốc tế và những nước liên quan tiếp tục nghiên cứu. Phía Việt Nam cần chủ động tổ chức nghiên cứu khoa học lượng hóa cụ thể các tác động và những giải pháp giảm thiểu/đánh đổi để đưa ra kiến nghị có tính thuyết phục cao vì lợi ích chung của tất cả các nước trong lưu vực sông Mê Kông.
Bình luận (0)