Tại hội thảo góp ý cho Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức sáng 7-10, nhiều đại biểu cho rằng luật cần quy định cụ thể về xử lý vi phạm và sát với thực tế hơn.
Bỏ phong bì thay vì nộp phạt
GS-BS Trần Đông A bày tỏ vui mừng khi biết Thủ tướng vừa phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo đó, từ nay tới hết năm 2020, cả nước xử lý triệt để gần 500 cơ sở, tiến tới không còn cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông vẫn lo lắng về lộ trình thực hiện.
Liên quan về xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường, ông Trần Minh Khiêm - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TP HCM - cho rằng khó làm được. Ông dẫn chứng trên địa bàn quận Bình Tân, hiện phân ra 3 loại cơ sở do thành phố, quận và phường cấp phép, quản lý, kiểm tra. Thực tế cho thấy có nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm, quận đã tiến hành xử lý nhưng họ vẫn cố tình tiếp tục làm sai.
“Chúng tôi xử lý hành chính, rút giấy phép kinh doanh rồi cắt điện, vậy mà họ vẫn lén câu điện nhờ để tiếp tục kinh doanh. Không phải địa phương buông lỏng quản lý, xử lý nhưng xử lý rất khó vì chúng ta phân ra quá nhiều đơn vị quản lý” - ông Khiêm nhận xét. Vì vậy, ông đề xuất thành lập đội thanh tra về môi trường giống chức năng của đội trật tự đô thị, đỡ phân cấp cho thành phố, quận - huyện, phường - xã.
“Việc xử lý vi phạm về môi trường còn gây nhiều bất bình. Nhiều đơn vị, cá nhân vi phạm “quá trời quá đất” nhưng xử lý “trớt quớt”. Trong khi đó, doanh nghiệp vi phạm nhỏ thôi mà phạt cả trăm triệu đồng. Tôi biết ở nhiều doanh nghiệp, công nhân vô tình bỏ cái khăn dính nhớt hay bình ắc-quy cũ, cái bóng đèn lộn trong rác thải sinh hoạt thì bị phạt nặng ngay. Như vậy có phải là bất nhẫn không?” - ông Phạm Quốc Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Samco, đặt vấn đề.
Ông Tài cũng nêu ra một hiện tượng tham nhũng trong xử lý vi phạm môi trường: Thay vì nộp vài chục triệu đồng tiền phạt thì đơn vị vi phạm bỏ phong bì 10 triệu đồng cho cán bộ là xong!
Chưa sát thực tế
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) còn nhiều điểm chưa sát cơ sở. Cụ thể, điểm đ, khoản 1, điều 60 chỉ quy định hộ gia đình chăn nuôi phải bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với sinh hoạt con người nhưng không quy định điều kiện chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm. Củ Chi là huyện nông nghiệp, chăn nuôi quy mô gia đình 100-150 gia súc/trại rất nhiều. Biện pháp xử lý hiện nay là dùng hầm biogas. Tuy nhiên, nước thải lại gây ô nhiễm môi trường rất cao, luôn vượt chuẩn.
Điều 61 cũng chưa quy định khoảng cách đáp ứng điều kiện vệ sinh môi trường giữa nghĩa trang, nghĩa địa và khu dân cư là bao nhiêu. Với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Chính phủ ban hành nghị định về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang nhưng không có văn bản hướng dẫn cụ thể. Bộ Y tế cũng không có văn bản hướng dẫn về khoảng cách an toàn của nghĩa trang, nghĩa địa đến dân cư.
Chất thải rất hôi nhưng... đạt chuẩn Một bất cập khác cũng được ông Ngô Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận 9, TP HCM - nêu ra: Người dân phản ánh nhiều cơ sở sản xuất xả chất thải rất hôi nhưng khi cơ quan chức năng đo nồng độ thì vẫn đạt chuẩn. Theo ông Tuấn, Bộ Y tế cần thay đổi tiêu chuẩn cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định rõ ràng trong luật. |
Bình luận (0)