Hội thảo khoa học Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế đã được Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế và Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia tổ chức ngày 26-12 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà quân sự - chính trị xuất sắc này.
“Nắm thắt lưng địch mà đánh”
Tại hội thảo, nhiều tham luận, ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học đã làm sáng tỏ những khía cạnh mới và tiếp tục khẳng định Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, đa năng, văn võ song toàn; một trong những người kiến tạo nên linh hồn, mạch sống của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - kể lại: Khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào xâm lược miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị cử vào phụ trách Trung ương Cục miền Nam. Sau khi thực địa chiến trường, ông đưa ra nhận định gửi về Bộ Chính trị: “Đế quốc Mỹ giàu nhưng không mạnh”. Chỉ thị: “Hãy nắm thắt lưng địch mà đánh” của ông sau này trở thành chìa khóa để quân đội Việt Nam thắng Mỹ.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhiều lần tâm đắc cho rằng: “Chính nhờ khẩu hiệu đó mà quân dân miền Nam đã chiến đấu đến khi giành thắng lợi cuối cùng”.
Theo Đại tướng Lê Đức Anh, Nguyễn Chí Thanh là vị tướng xuất chúng, luôn bám sát thực tiễn và có những đóng góp xuất sắc mang tầm chiến lược với Đảng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng lực lượng vũ trang, quân đội.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhận định: Là người trực tiếp chỉ đạo chiến trường miền Nam trong những bước cam go, khốc liệt nhất, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những đánh giá, nhận định ở tầm chiến lược về thế và lực, phương hướng phát triển của cách mạng Việt Nam ở miền Nam, về khả năng chiến đấu, chiến thắng và nâng cao lòng tin của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ”.
Gần gũi, giản dị
Hiếm có vị tướng nào của QĐND Việt Nam lại được suy tôn với nhiều danh hiệu như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Khi lãnh đạo cuộc kháng chiến của quân và dân miền Trung, ông được mệnh danh là “tướng du kích”, là linh hồn của mặt trận Bình - Trị - Thiên khói lửa. Khi lãnh đạo nông nghiệp và phong trào hợp tác hóa, ông được suy tôn là “đại tướng nông dân”. Vì thế, từ những người có thời gian gần gũi, gắn bó hay người chỉ được gặp đại tướng một lần đều xúc động nhắc về ông như một người bạn, đồng chí thân thiết, giản dị.
Ông Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, bồi hồi kể: “Chúng tôi hay được gọi đến nhà anh ở 34 Lý Nam Đế, Hà Nội. Biết anh rất quý các nhà văn, nhà báo nhưng đối với chúng tôi, chức ủy viên Bộ Chính trị, đại tướng rất to nên tiếp xúc lúc đầu không khỏi lo lắng. Biết vậy, anh nói: “Các cậu cứ tranh cãi thoải mái. Mình xuất thân từ nông dân, suốt đời trận mạc, nay được trao phụ trách nông nghiệp có nhiều điều chưa biết, cho nên sẽ cùng tham gia tranh cãi. Khi tranh luận có ý đúng, ý chưa đúng là việc bình thường, còn nếu cậu nào nói đúng một cũng đã giữ 50% chân lý, rất “oách” rồi còn gì!”.
Lần giở từng trang sách trong khu trưng bày tác phẩm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà văn Trần Công Chấn - tác giả tiểu thuyết Nguyễn Chí Thanh, sáng trong như ngọc một con người và Đôi bạn bên sông Bồ - kể lại câu chuyện rất xúc động với đại tướng:
“Năm 1946, tôi mới 12 tuổi nhưng đã tham gia đơn vị tình báo. Một lần vinh dự được gặp anh Thanh, tôi được anh khen tuổi nhỏ mà đã yêu nước là rất tốt. Sau này, khi ở mặt trận Thừa Thiên - Huế, chúng tôi phải trốn vào rừng, anh chia cho tôi từng củ khoai. Có lúc phải ăn cháo củ mì nhưng anh vẫn quan tâm, lo lắng cho những người lính của mình...”.
Vinh dự được Bác Hồ đặt tên
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1-1-1914 trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên - Huế). Năm 20 tuổi, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng; tháng 7-1937 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tại hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào ngày 13-8-1945, ông vinh dự được Bác Hồ đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Năm 1959, ông được phong quân hàm đại tướng, trở thành vị đại tướng thứ hai của QĐND Việt Nam. Năm 1960-1964, ông tiếp tục được bầu vào BCH Trung ương, Bộ Chính trị, kiêm Bí thư Trung ương Đảng; lần lượt đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Quân ủy Miền - Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời vì bệnh tim.
Buổi gặp gỡ cuối cùng với Tướng Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể một kỷ niệm sâu sắc về người bạn chiến đấu Nguyễn Chí Thanh: “Trước ngày chuẩn bị vào Nam, đầu tháng 7-1967, anh Thanh nêu ý kiến cả 2 gia đình cùng đi dạo hồ Tây để chụp ảnh kỷ niệm. Nhớ buổi gặp trước ngày anh lên đường, anh cùng tôi trải cả bản đồ lên sàn nhà, cùng bàn bạc về tình hình, dự kiến những chuyển biến và cách đánh sắp tới; nhớ đến bữa cơm tiễn biệt tại nhà 28 Cửa Đông. Không ngờ hôm ấy lại là buổi gặp nhau cuối cùng”.
Bình luận (0)