Trái với sự sốt ruột của nhiều nhà đầu tư, thủ tục hành chính ở ta vẫn lạnh lùng, chậm cải cách. Các bộ, ngành và địa phương cứ mạnh ai nấy làm cho dù miệng luôn hô hào “một cửa, một dấu”.
Ai cũng giật mình khi nghe trong lĩnh vực hải quan dẫu đã thực hiện cơ chế một cửa quốc gia nhưng hiện còn tới 6 bộ, ngành cùng nhúng tay vào. Muốn nhập một lô hàng, doanh nghiệp (DN) phải qua 6 cửa ải này. Vậy thì “một cửa” cái nỗi gì?!
Choáng hơn, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Cục phó Cục Hải quan TP HCM, phân trần rằng rắc rối là vì có đến 256 văn bản kiểm tra chuyên ngành và 20 luật, pháp lệnh liên quan đến việc nhập khẩu, thông quan hàng hóa; muốn nhập, DN phải đăng ký với các bộ rồi hải quan mới làm thủ tục. Ví dụ như thép, DN đăng ký qua 2 bộ sau đó cắt mẫu hàng đưa cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm định, đâu vào đấy mới tới hải quan. Không đồng tình với hành trình nhiêu khê này, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã gay gắt: “Anh làm gì ở Hải quan thành phố?... Giờ dùng máy cầm tay kiểm tra tại chỗ thì có được không? Sao lại bắt cắt thép đem đi kiểm định? Việc bé như móng tay ông làm không xong thì bao giờ lên cục trưởng được?”.
Để giải thích vì sao nhiêu khê, những người đứng đầu ngành thường trả lời lòng vòng hoặc đẩy lên trung ương cho xong chuyện. “Bài” quen thuộc này ngành thuế cũng ưa dùng. Cách đây ít hôm, trả lời về việc ngành ôm tiền hoàn thuế của DN như một dạng chiếm dụng vốn mà không trả lãi suất hay chịu bất kỳ chế tài nào, ngành thuế nói do Bộ Tài chính không rót tiền. Bộ Tài chính sau đó bảo chậm hoàn là do ngành thuế và ngành thuế phải trả lãi song thực tế DN nói đòi được tiền này còn khó hơn lên trời, ngay khi có quyết định hoàn thuế rồi mà kho bạc lại hết tiền trả thì DN cũng chẳng biết kêu ai. Nay, tại buổi đối thoại nói trên, về trường hợp các DN Mỹ không được ưu đãi thuế như cam kết đầu tư, đại diện lãnh đạo Cục Thuế TP HCM giải thích là đã hỏi các bộ, các bộ trả lời phải làm theo luật thuế, tức là phải thu, tất nhiên nhà đầu tư không chịu và tiếp tục khiếu nại.
Rõ ràng, chồng chéo, bất nhất là do chủ nhà chứ không phải do khách. Họ đến vì lời mời đãi ngộ, nay chủ nhà đem luật lệ bản xứ ra để “lật kèo” thì ai tin, ai đến nữa?
“Việc bé như móng tay ông làm không xong thì bao giờ lên cục trưởng được?”, có lẽ câu hỏi này không dành riêng cho ông cục phó Cục Hải quan TP HCM. Tình trạng “việc bé như móng tay” mà “làm không xong” còn nhiều lắm! Làm không xong hay cố tình làm khó để hưởng đặc quyền, đặc lợi? Làm không xong nhưng vẫn tại vị, vẫn thăng quan tiến chức trong khi DN, người dân không ngớt kêu than. Bằng chứng là những cuộc đối thoại như vậy bao giờ cũng đầy ắp lời bất mãn từ các chủ DN.
Khi nào DN thôi oán thán, lúc đó đã bớt cán bộ “việc bé như móng tay mà làm không xong”. Biết đến bao giờ?
Bình luận (0)