Ngày 19-6, QH cũng đã thảo luận về dự thảo Luật Viên chức. Có 24 ĐB góp ý cho dự luật, tập trung vào những vấn đề “nhạy cảm” hiện nay như: Viên chức tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp, viên chức làm thêm ngoài giờ hay viên chức là Việt kiều, viên chức đơn vị ngoài công lập...
Dự thảo Luật Viên chức đã đột phá với quy định viên chức được tham gia góp vốn thành lập các công ty tổng hợp, trách nhiệm hữu hạn, cổ phần nhưng không được tham gia trực tiếp điều hành. Hầu hết ĐB ủng hộ quy định mở này nhưng đề nghị bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn.
ĐB Võ Thị Dễ (Long An) cho rằng quy định của dự luật vẫn chưa bảo đảm ngăn ngừa tình trạng lợi ích cục bộ, công - tư lẫn lộn, “chân ngoài dài hơn chân trong”. Theo bà Dễ, luật cần quy định rõ điều kiện viên chức không được tham gia góp vốn thành lập công ty hoặc trường học tư, bệnh viện tư.
Đa số ĐB cũng đồng tình với quy định của dự luật là viên chức được ký hợp đồng làm việc ngoài giờ với các đơn vị, doanh nghiệp khác. ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) nhận định: Để thu hút và giữ chân những người có năng lực, trình độ vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, khắc phục tình trạng chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư, cần tạo điều kiện cho sự trao đổi hợp tác công - tư.
Một đột phá khác của dự thảo Luật Viên chức là Việt kiều vẫn còn quốc tịch VN được đăng ký dự tuyển viên chức. Bà Hà cho rằng cần có chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, cởi mở hơn trong cơ chế tuyển dụng để luật đi vào cuộc sống.
Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, bà Phạm Phương Thảo, đồng tình với dự luật và dẫn bài học Bác Hồ trải thảm đỏ mời nhiều người giỏi về nước như GS Trần Văn Giàu, ông Trần Đại Nghĩa... Theo bà Thảo, tại TPHCM đã có công dân VN định cư ở nước ngoài về làm viện trưởng, viện phó. “Nhiều người về nước không hẳn vì lương cao, chế độ đãi ngộ mà do sự mời gọi đầy tin tưởng, một sự đánh giá công bằng đối với trí thức” - bà Thảo cho biết.
Tại phiên họp, nhiều ĐB cũng tán đồng quy định trao thêm quyền tự chủ cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. ĐB Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) góp ý thêm rằng cần có “trần” về quyền tự chủ. Bà Sáng nhận xét: “Thời gian qua, khâu tuyển dụng viên chức xuất hiện nhiều tiêu cực. Chuyện đua nhau “chạy việc” đã dẫn đến nạn nhận hối lộ. Thậm chí, có thủ trưởng mới được bổ nhiệm đã tổ chức thi tuyển lại nhân sự để loại viên chức cũ, tuyển người mới để có lợi cho mình”.
Một nội dung quan trọng khác trong dự luật là viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2003 được bảo đảm chế độ làm việc suốt đời như công chức nhằm tạo sự ổn định, không gây xáo trộn trong đội ngũ viên chức.
Dự kiến dự thảo Luật Viên chức sẽ nđược hoàn thiện, trình QH ban hành tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Bình luận (0)