Theo thông tin từ Bộ Công nghiệp, hiện nay số nợ ngân hàng của DN này đã lên đến nhiều tỉ đồng và không còn khả năng vay tiếp. Số nợ này chủ yếu là chi phí khai thác, chế tác, nuôi bộ máy trong quá trình khai thác và gìn giữ “tài sản quốc gia” này.
Nguyên nhân dẫn đến hậu quả không ai ngờ này là đến nay, giá trị đích thực của viên đá được mệnh danh “ngôi sao Việt Nam” này bao nhiêu thì chẳng ai biết. Sau khi viên đá này được công bố lớn nhất Việt Nam, Nhà nước đã có ý định giữ lại làm báu vật quốc gia. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Công ty Đá quý và Vàng Yên Bái mời chuyên gia nước ngoài đến thẩm định giá. Lần đầu tiên các chuyên gia Anh đưa ra kết luận “độc nhất vô nhị” mà không đưa ra mức giá cụ thể. Sau đó, chuyên gia Myanmar cũng đưa ra kết luận tương tự. Cuối cùng, DN này phải quay lại các cơ quan có thẩm quyền trong nước. Kết quả là sau ba năm, qua rất nhiều cuộc họp, cả ba bộ: Công nghiệp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa định được mức giá cụ thể cho “vật báu” này.
Đây không phải là lần đầu tiên Công ty Đá quý và Vàng Yên Bái rơi vào hoàn cảnh này. Năm 1997, công ty này đã khai thác được viên đá quý nặng 2,6 kg và phải mãi đến năm 1999 mới định được giá. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của DN này là sớm định được giá trị của viên đá, thu hồi chi phí để trang trải nợ nần rồi chuyển hướng sản xuất kinh doanh đa ngành nghề.
Bình luận (0)