Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: "Còn 1 vụ oan sai, tôi cũng đau như họ"- Ảnh chụp qua màn hình
Viện trưởng Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết khi có một vụ oan sai xảy ra, bản thân ông cũng đau như nỗi đau mà người bị oan sai cũng như gia đình của họ. Xin lỗi người bị oan sai, người đứng đầu VKSND Tối cao khẳng định đối với các vụ oan sai vừa qua, cơ quan chức năng đã khởi tố những điều tra viên phạm pháp, không có sự bao che hay xử nhẹ.
Ai chắc được là những trường hợp chết này không có những người bị oan, sai?
Theo ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) con số thống kê trong số 71 vụ oan, sai chỉ có 15 vụ thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra (CQĐT) nhưng số vụ can phạm tự sát, chết trong trại do đau bệnh, do đánh nhau… vẫn có tới 78 vụ. “Ai chắc được là những trường hợp chết này không có những người bị oan, sai? Cần làm rõ trách nhiệm của trại giam khi để xảy ra những trường hợp chết như vậy vì biết đâu trong đó có oan, sai và đó là hình thức để che đậy sai phạm”- bà Khá bức xúc.
ĐB Khá cũng cho biết bồi thường oan sai, chúng ta mới chỉ bồi thường về mặt vật chất, kinh tế chứ chưa thể bồi thường được về tinh thần. Thủ tục bồi thường cũng rườm rà và đặc biệt là sự thỏa thuận rất chậm. Một người bị oan sai là mất mát rất nhiều, không chỉ về tiền bạc mà có khi gia đình tan nát. Ngoài bồi thường theo quy định của Nhà nước, cần phải quy trách nhiệm những người làm oan sai.
Còn ĐB Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) nhận xét: Dù bức cung, nhục hình chỉ là số ít nhưng dù thế cũng phải chấm dứt ngay vì nó ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, quyền con người và niềm tin của người dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Chỉ là phần nổi của tảng băng?
Ở góc độ hệ thống pháp luật, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhìn nhận đã có những quy định chống oan sai rất rõ ràng. Tuy nhiên, theo ĐB Nghĩa, tình hình oan sai trong tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng. “Nguyên nhân đầu tiên là hệ thống tố tụng không tự phát hiện oan sai, giống như lỗi của hệ thống báo cháy, tuy nhiên có điểm khác là khi bị cháy thì không phải cơ quan tiến hành tố tụng, mà người tạm giữ, tạm giam bị cháy”- ông Nghĩa phân tích.
Từ luận điểm đó, ông Nghĩa đặt câu hỏi phải chăng những vụ việc phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng, đó là chưa kể tình trạng người bị bức cung, nhục hình khi được tha thì rất e sợ tiết lộ, thậm chí buộc phải cam kết không khiếu nại. Nhiều luật sư phản ánh các bị can, bị cáo cho biết tình trạng bức cung, mớm cung, nhục hình, tương tự như các vụ đã phát hiện, diễn ra không cá biệt, ở nhiều mức độ. Ngoài ra, theo ĐB Nghĩa, hệ thống kiểm tra chéo giữa 3 cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án hiệu lực không cao, có tình trạng nể nang, du di nhau, “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”; tình trạng “3 bộ đồng tình” bằng những cuộc họp thống nhất án trước khi truy tố hay xét xử khiến cho việc kiểm sát, việc tranh tụng đôi lúc bị vô hiệu.
Còn ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nói trong 3 năm, các ngành tố tụng trong cả nước mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn làm oan 71 người. Qua báo cáo giám sát cho thấy tình trạng khởi tố, điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự cũng có dấu hiệu làm oan người vô tội. Từ đó, cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân.
Tuy nhiên, điều bức xúc nhất là tình trạng đã gây ra oan ức cho dân, nhưng việc bồi thường thiệt hại diễn ra quá chậm chạp, cầm chừng. Tâm lý người dân bị oan vốn đã rất nặng nề, nhưng dường như tâm lý của cơ quan tố tụng còn nặng nề hơn.
Có bức cung nhục hình gây chết người
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện đã báo cáo giám sát kết quả giám sát tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự từ ngày 1-10-2011 đến ngày 30-9-2014. Ông Hiện cho rằng việc dùng nhục hình trong hoạt động điều tra là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi thực hiện tội phạm và trong một số trường hợp chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan sai. Báo cáo khẳng định có bức cung nhục hình gây chết người.
Theo ông Hiện, trong kỳ giám sát, có 71 trường hợp làm oan người vô tội và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết.
Trong quản lý tạm giữ, tạm giam còn để xảy ra 78 trường hợp tự sát, 6 trường hợp chết do can phạm đánh nhau. Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh để xảy ra 4 trường hợp bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng tự sát.
Bình luận (0)