Ngày 8-12, tại Hà Nội, Tập đoàn Truyền thông Bloomberg phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN 2016 (ASEAN Business Summit 2016) với sự tham dự của các đại diện cơ quan Chính phủ tại Việt Nam và các nhà lãnh đạo hàng đầu ASEAN trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính.
Cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ
Một trong những phiên thảo luận của hội nghị thu hút được sự chú ý là vấn đề Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump liên tiếp có những phát ngôn cảnh báo xóa bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ sẽ tác động như thế nào đến các quốc gia ASEAN, và cần có giải pháp gì để thích nghi?
Trả lời câu hỏi về sự tác động đối với nền kinh tế Việt Nam, ông Phạm Văn Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán Deloitt Việt Nam, cho biết nhìn vào cán cân thương mại Việt Nam - Mỹ thì Việt Nam đang xuất siêu. “Nếu không có TPP, Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa hội nhập, đàm phán thương mại song phương với nhiều quốc gia khác. Không có hiệp định này thì sẽ có hiệp định khác, cả đa phương và song phương” - ông Thịnh nói.
Đại diện tập đoàn dệt may của Mỹ TAL Apparel, ông Roger Lee, cho rằng hiện nay mọi thứ đều chưa rõ ràng. Chúng ta chưa biết ông Trump sẽ làm gì, mới chỉ nói sẽ mang công việc trở lại Mỹ và thực tế việc này rất khó. Ví dụ tại Mỹ, TAL Apparel khó có thể tìm được công nhân toàn là người Mỹ. Ông Roger Lee cũng cho biết vẫn tiếp tục đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam dù có TPP hay không. “TPP sẽ mang lại thuận lợi nhưng không có TPP thì chúng tôi vẫn đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi hướng đến dài hạn. Chính phủ Việt Nam tạo rất nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài” - ông Roger Lee nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Chartsiti Sophonpanich, Chủ tịch Bangkok Bank, nhận định nếu không có TPP, khu vực ASEAN cũng sẽ không bị ảnh hưởng lớn. ASEAN cần tập hợp lực lượng, sáng kiến để tận dụng cơ hội từ Trung Quốc, Ấn Độ. “Chúng ta cần thúc đẩy tự do thương mại trong nội khối, mang lại sự thịnh vượng cho khu vực” - ông Chartsiti Sophonpanich nêu ý kiến.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập đến nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại khi nêu ra những khó khăn, thách thức mà thế giới và ASEAN đang phải đối mặt trên nhiều lĩnh vực về an ninh, kinh tế, lương thực, tiền tệ... “Các nước ASEAN cần đoàn kết, đẩy mạnh kết nối kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông và liên kết mềm nhằm tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và dịch vụ qua biên giới, xây dựng thị trường ASEAN thống nhất, hiệu quả” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Hợp tác cùng có lợi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, tích cực xây dựng ASEAN thành khu vực lớn mạnh, gắn kết. Thủ tướng đánh giá cao sự ủng hộ cấp quốc gia của các nước ASEAN, nhà đầu tư ASEAN đối với tiến trình mở cửa, hội nhập của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, nền kinh tế năng động với 600.000 doanh nghiệp, 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể và hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Bên cạnh đó còn có 22.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 300 tỉ USD.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với dân số hơn 600 triệu người, ASEAN là khu vực kinh tế khá lớn, GDP đạt gần 3.000 tỉ USD, đang phát triển mạnh mẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp năng động, sáng tạo. Vai trò của ASEAN đã nhận được sự ủng hộ của quốc tế và sự quan tâm, hợp tác đầu tư từ những tập đoàn hàng đầu trên thế giới.
“Từng thành viên ASEAN không thể phát triển nếu chỉ dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giản đơn mà cần đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sâu hơn và vươn lên những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư ngoài khu vực sẽ tìm thấy cơ hội hợp tác cùng có lợi với các đối tác ASEAN. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chào đón tất cả doanh nghiệp đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư tin cậy và hấp dẫn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Khởi động Năm APEC 2017
Sáng 8-12, hội thảo về các chủ đề ưu tiên của Năm APEC 2017 đã khai mạc tại Hà Nội với gần 350 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Ban Thư ký APEC quốc tế, đại diện các tổ chức quốc tế và các học giả, doanh nghiệp... Chiều cùng ngày cũng diễn ra buổi Đối thoại APEC và doanh nghiệp Việt Nam. Đây là các chương trình mở đầu Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM) - hoạt động đầu tiên trong chuỗi các sự kiện Năm APEC 2017. Hội nghị ISOM chính thức diễn ra vào ngày 9-12.
Tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, cho biết sau 30 năm đổi mới, Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp ý nghĩa vào APEC và mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực. Bốn mục tiêu quan trọng mà các nền kinh tế thành viên APEC cần đạt được, gồm: thúc đẩy tăng trưởng bền vững sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh kết nối kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.
D.Ngọc
Bình luận (0)