Đến nay, nhiều thành phố của Việt Nam như Hà Nội, TPHCM, Huế, Hội An, Khánh Hòa... lên tiếng hưởng ứng chiến dịch “Giờ trái đất”.
Tại Hà Nội, từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút sẽ có chương trình “Hát và múa dưới ánh nến” diễn ra bên ngoài Nhà hát Lớn. Tại đây sẽ đặt màn hình tường thuật chiến dịch “Giờ Trái Đất” tại các thành phố khác trên thế giới.
Nhà hát Lớn Hà Nội (Ảnh: Internet)
Không chỉ Nhà hát Lớn, TP Hà Nội còn đồng loạt tắt đèn chiếu sáng, đèn trang trí, biển quảng cáo tại các địa điểm, khu vực công cộng như đền Ngọc Sơn - tháp Rùa - cầu Thê Húc, tượng đài Lý Thái Tổ, xung quanh hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, sân vận động Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị quốc gia, trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND TP, ký túc xá Đại học Kinh tế quốc dân, khách sạn Hilton, khách sạn Sofitel Metropole...
Cũng đúng thời gian trên, cầu Tràng Tiền, khu Đại Nội, Phú Văn lâu và dọc hai bên bờ sông Hương của đất cố đô Huế cũng đồng loạt tạm vắng ánh đèn.
Trong khi đó, phố cổ Hội An sẽ lung linh huyền ảo trong “Giờ Trái Đất” với các loại đèn thân thiện với môi trường như đèn dầu, đèn gương thắp sáp trong ly mắt trâu, đèn sáp có đế gắn vững chắc và hoa đăng. Toàn dân Hội An được vận động tắt đèn điện trong nhà, còn các công sở, bảng quảng cáo và đèn chiếu sáng công cộng cũng được giảm thiểu trong vòng một tiếng đồng hồ.
Chùa Cầu của Hội An (Ảnh: VTV)
Riêng tại thành phố sôi động nhất Việt Nam – TPHCM, vũ điệu ánh sáng rực rỡ mỗi khi đêm về tại khu trung tâm sẽ nhường chỗ cho bóng tối bình yên trong một tiếng. Đèn quảng cáo, trang trí ngoài trời trước trụ sở UBND TPHCM, nhà hát TP, Bến Nhà Rồng, Công viên tượng đài Bác Hồ, Hồ Con Rùa sẽ được... tạm nghỉ.
Đồng thời, hàng loạt khách sạn lớn tại trung tâm TPHCM như: Rex, Majestic, Caravelle, New World, Sheraton, Grand, Continental... cũng không ngoài cuộc.
Trụ sở UBND TPHCM (Ảnh: Internet)
Rộng ra thế giới, 829 biểu tượng và những địa danh nổi tiếng thế giới từ quần đảo Chatham của New Zealand cho tới Bắc Băng Dương cũng cùng nhau tắt đèn để ủng hộ việc chống lại biến đổi khí hậu.
Trong số 2.848 thành phố và thị trấn trong danh sách tham gia, có 66 thủ đô và 9/10 siêu đô thị đông dân nhất hành tinh. Một số thành phố đình đám sẽ có mặt là: NewYork (Mỹ), London (Anh), Bắc Kinh (Trung Quốc), Paris (Pháp), Moscow (Nga), Rome (Ý), Athens (Hy Lạp), Cairo (Ai Cập), Rio de Janeiro (Brazil), Sydney (Úc), Mumbai (Ấn Độ), Toronto (Canada), Copenhagen (Đan Mạch), Manila (Philippines), Barcelona (Tây Ban Nha)...
Một giờ vắng ánh đèn (Ảnh: Internet)
Kim tự tháp Giza (Ai Cập) – biểu tượng vĩ đại nhất của sức mạnh tập hợp – đứng đầu danh sách 820 địa điểm nổi tiếng toàn thế giới sẽ tham gia Giờ Trái Đất. Ngoài ra còn có tháp Eiffel (Paris), sân vận động Tổ Chim (Bắc Kinh), tượng chúa Jesus (Rio de Janeiro), tháp đồng hồ Big Ben (London), Đấu trường La Mã (Rome), cầu Golden Gate (San Francisco), nhà hát Opera Sydney, tháp đôi Petronas (Kuala Lumpur), tháp CN (Toronto), thác nước Niagara (Canada), tượng Merlion (Singapore)...
Tháp CN (Toronto, Canada - Ảnh: Internet)
Tại Sydney, nơi khởi nguồn của Giờ Trái đất năm 2007, tất cả tàu thuyền neo đậu bến cảng Sydney nổi tiếng sẽ đồng loạt nổi hiệu còi vào đúng 20 giờ 30 phút để báo hiệu Giờ Trái đất bắt đầu tại Úc.
Cầu cảng Sydney, Úc (Ảnh: earthhour.org)
Một số hình ảnh ấn tượng của Giờ Trái Đất trong trang web earthhour.org
Tại Perth, Úc
Tại Melbourne, Úc
Tại Ireland
Núi Table Mountain, Cape Town - Nam Phi
Tại Canberra, Úc
Giờ Trái Đất (Earth Hour) là sự kiện quốc tế do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tổ chức hàng năm. Mục đích của chương trình này nhằm khuyến khích tiết kiệm điện năng bằng cách tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ - từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hàng năm. Nhờ vậy sẽ làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như giảm ô nhiễm ánh đèn. |
Bình luận (0)