Dù mới đạt thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.200 USD/năm, đứng thứ 7/11 ở Đông Nam Á và thuộc nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp nhưng Việt Nam sẽ mắc kẹt trong mức này, khó trở nên thịnh vượng. Đó là nhận xét của nhiều đại biểu trong hội thảo khoa học “Tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 15-4 tại Hà Nội.
“Sập bẫy” hay chưa?
Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng trong phát triển kinh tế, một quốc gia đã đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) và mắc kẹt tại đó. Về khả năng Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa, có 2 luồng ý kiến.
GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản, khẳng định Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Biểu hiện là năm 2008, Việt Nam đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD/năm. Song, từ đó đến nay là một giai đoạn tăng trưởng chậm, năng suất kém, chuyển dịch cơ cấu chỉ mang tính hình thức, trì trệ trong các chỉ số xếp hạng toàn cầu và có nhiều vấn đề nảy sinh do tăng trưởng đem lại.
Ngược lại, một số chuyên gia cho rằng Việt Nam mới đạt mức thu nhập trung bình thấp nên chưa có khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Theo PGS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà nghiên cứu bàn về bẫy thu nhập trung bình thường khảo sát những nước có thu nhập 5.000 USD trở lên, Việt Nam hiện vẫn dưới ngưỡng này nên mới ở diện cảnh báo. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2013, Việt Nam dự kiến đạt mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.200 USD/năm.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ dự đoán Việt Nam phải mất 20 năm nữa mới rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Song, các chuyên gia đều thống nhất rằng Việt Nam đang ở trong giai đoạn trì trệ.
“Tôi chưa muốn bàn đến bẫy thu nhập mà cho rằng Việt Nam cần phải tìm cách vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay” - TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, nêu ý kiến. Ông cho rằng Việt Nam có nguy cơ quay lại mức thu nhập thấp.
Theo TS Cung, nhiều năm nay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm sút và chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét, tụt hậu rất xa so với các nước trong khu vực. Năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ bằng 13% Nhật Bản, 35% Thái Lan, 54% Trung Quốc... Kinh tế Việt Nam cũng chỉ tăng trưởng cao được trong vòng 10 năm, trong khi nhiều nền kinh tế khác tăng trưởng cao liên tục trong 30 năm.
Dễ đánh mất cơ hội
Để tránh rơi vào cũng như thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, theo các chuyên gia, chỉ có cách phải tăng trưởng nhanh, liên tục.
GS Ohno khuyến nghị Việt Nam cần cải thiện năng suất, tiếp theo là thực hiện chuyển giao công nghệ từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Quá trình này không nên nóng vội với hy vọng nhảy vọt lên công nghệ cao, công nghệ nguồn mà cần đi từ công nghệ cơ bản như giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng giải pháp quản lý hiện đại.
GS Ohno cũng chỉ ra một điểm yếu của Việt Nam cần phải thay đổi: Xây dựng chính sách không theo chuẩn quốc tế và rất cứng nhắc, chú trọng đến khâu soạn thảo văn bản mà không giám sát khâu thực hiện. “Tôi rất e ngại về khả năng sau hội thảo này, Việt Nam lại có hội thảo khác để xem ông Ohno đúng hay sai. Hành động như thế nào sẽ quan trọng hơn việc thảo luận xem Việt Nam rơi vào bẫy hay chưa. Chừng nào tư duy này chưa thay đổi thì Việt Nam chưa thể có hành động như các quốc gia khác” - ông nhấn mạnh. GS Ohno cảnh báo nếu không có hành động ngay từ năm nay, Việt Nam sẽ mất cơ hội, đến khi dân số già đi sẽ vẫn là nước nghèo.
GS Lưu Bích Hồ lại cho rằng không thể coi FDI là chỗ dựa để tránh bẫy thu nhập trung bình. Vì thực tế, chỉ có 5% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam sử dụng công nghệ cao, 15% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tương đương Việt Nam và 75% dùng công nghệ đã lạc hậu. Chỗ dựa để tăng năng suất lao động, tăng trưởng GDP cao phải là cơ hội từ hội nhập quốc tế.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh, bền vững phải phân bổ lại nguồn lực. Nguồn lực hiện rất méo mó vì phân bổ theo địa tô nên nhiều chỗ không tạo ra giá trị nhưng thu nhập lại rất cao. Nguyên nhân là do kinh tế Việt Nam chưa thực sự vận hành theo cơ chế thị trường.
Ông Cung thẳng thắn cho rằng nhà nước phải chủ động từ bỏ vai trò và quyền lực, thiết lập hệ thống luật pháp hỗ trợ sự chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Cơ hội để Việt Nam đột phá thể chế là Hiến pháp đã sửa đổi; hàng loạt luật căn bản, quan trọng như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Tổ chức Chính phủ… cũng đang được sửa đổi. Nếu tư duy thị trường được vận dụng triệt để trong luật thì sẽ tạo được nền tảng phát triển.
“Việc này giống thắt vòi nước lại, không để nguồn lực như nước rót vào chiếc thùng không đáy chảy tuột đi. Chỉ khi nào tạo ra sự khan hiếm nguồn lực thì mới có động lực phải làm cho hiệu quả” - TS Cung lý giải.
Từ năm 1950-2010, trong 124 nền kinh tế được Ngân hàng Thế giới đánh giá, có 52 nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình, trong đó 30 nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Chỉ có 13 nền kinh tế vượt được bẫy này, trở thành nước có thu nhập cao, như: Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore...
Bình luận (0)