Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 31-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình thông báo: Nhận lời mời của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31-7 đến 2-8 và đồng chủ trì phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt - Nhật lần thứ sáu. Chuyến thăm chính thức cũng như phiên họp của ủy ban nói trên được tổ chức với mục đích thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam và Nhật Bản có hợp tác cụ thể như thế nào nhằm nâng cao hiệu quả của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam trên biển, ông Lê Hải Bình cho biết: “Trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác để nâng cao năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam. Hiện nay, các cơ quan chức năng hai bên đang thảo luận nội dung cũng như hình thức hợp tác cụ thể”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm từ ngày 21 đến 31-7, Việt Nam đã đón Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, ông Heiner Beilefelt, đến xem xét tình hình với “thiện chí, thái độ hợp tác, cởi mở của Chính phủ Việt Nam”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ông Heiner Beilefelt cho biết ông đã bị “theo dõi”, không được cho phép gặp gỡ một số người và nói Việt Nam đã vi phạm tự do tôn giáo, ông Lê Hải Bình khẳng định “một số vấn đề” mà ông Beilefelt nêu ra “đã có sự hiểu lầm, chưa trao đổi hết thông tin”. “Nước chủ nhà có trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho đoàn trong suốt chuyến thăm. Luật pháp Việt Nam bảo đảm mọi người dân có quyền tự do tiếp xúc, gặp gỡ với bất cứ ai họ muốn” - ông Lê Hải Bình khẳng định, đồng thời cho biết đoàn của ông Heiner Beilefelt đã được đón tiếp và trao đổi về quyền tự do chính đáng của Việt Nam; đã được tạo điều kiện đi thăm và tìm hiểu về thực trạng tôn giáo của Việt Nam. “Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức trong phạm vi cho phép” - ông Bình nêu rõ.
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin mấy ngày vừa qua Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở biển Đông, ông Lê Hải Bình nói: “Việt Nam cho rằng mọi hoạt động của các bên ở biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước quốc tế về Luật Biển để bảo đảm an toàn, an ninh tại khu vực này”.
Lập đường dây nóng bảo vệ công dân Việt Nam ở Libya
Tại cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình cho biết hiện nay có khoảng 1.550 công dân Việt Nam đang làm việc tại Libya, trong đó chủ yếu là tại những khu vực chưa xảy ra chiến sự.
Trước tình hình chiến sự tại Libya, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya cũng như tại các nước trong khu vực theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để sẵn sàng có các hình thức hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Libya đã thiết lập 2 đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ: +00218.926903041/+00218.923654587. Cục Lãnh sự đã mở đường dây nóng +0084. 918370497 để kịp thời hỗ trợ công dân Việt Nam tại Libya.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại buổi họp của Chính phủ cho biết Thủ tướng chỉ đạo bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công dân Việt Nam ở Libya. Một số nơi chuẩn bị đưa lao động về nước và một số nơi lên phương án sơ tán.
Bình luận (0)