Binh đoàn Tây Nguyên (Quân đoàn 3), đúng như tên gọi, được thành lập từ các đơn vị chủ lực trên chiến trường Tây Nguyên thời kháng chiến chống Mỹ cách đây 40 năm, ngày 26-3-1975. Tuy ra đời vào những năm tháng cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng các đơn vị hợp thành Quân đoàn 3 đều có lịch sử, truyền thống từ kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là 11 năm đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên và Khu 5.
Đoàn kết, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm
Vì vậy, lịch sử chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Quân đoàn 3 luôn gắn chặt với truyền thống của Mặt trận Tây Nguyên 40 năm qua. Đó là đoàn kết, mưu trí, sáng tạo, tinh thần dũng cảm “Tìm Mỹ mà diệt”, “Bám thắt lưng Mỹ mà đánh”; mang sức mạnh của cả dân tộc, của cả Tây Nguyên vào các chiến dịch Plei Me, Sa Thầy, Đăk Siêng, Chư Nghé… mà đỉnh cao là Đăk Tô - Tân Cảnh.
Chỉ sau 10 ngày thành lập, Quân đoàn 3 đã tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến công trên hướng chủ yếu Tây Bắc Sài Gòn, đập vỡ tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch từ Gò Dầu Hạ tới Bộ Tổng tham mưu ngụy… Quân đoàn 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng toàn quân, toàn dân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hành quân chiến đấu suốt chiều dài đất nước và tham gia nhiều mặt trận khác nhau - Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến công trên hướng Tây Bắc Sài Gòn, cùng các đơn vị bạn giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, năm 1979 hành quân ra chiến đấu và bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1987 trở lại bảo vệ và xây dựng Tây Nguyên cho đến nay - nhưng Tây Nguyên mới là mảnh đất làm nên tên tuổi và truyền thống của Quân đoàn 3.
Vẫn luôn vất vả, gian nan
Năm 1987, Quân đoàn 3 được lệnh trở lại Tây Nguyên. Hồi đó, chúng tôi là phóng viên của tờ tin Binh đoàn Tây Nguyên. Chúng tôi còn trẻ, lại chưa có gia đình nên khoác balô lên vai là lên đường. Trong khi đó, biết bao lớp đàn anh của chúng tôi từng lăn lộn khắp các chiến trường, được mấy năm hòa bình ở gần nhà, nay phải tạm biệt vợ con để vào nơi xa lắc xa lơ nên không khỏi bâng khuâng, lo lắng. Nhưng quân đội là vậy, có lệnh là đi.
Sau này, khi Quân đoàn 3 đã vững chãi ở Tây Nguyên, lúc mảnh đất này có nhiều biến động phức tạp những năm 2001-2004, chúng tôi mới thấy được tầm nhìn xa trông rộng của cấp trên khi bố trí lại thế trận chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Có Quân đoàn 3 ở Tây Nguyên, đất nước không bị hở sườn, nhân dân và các đơn vị xây dựng kinh tế yên tâm sản xuất, làm giàu trên mảnh đất trù phú này.
Hồi đó, những năm 1988-1989, không thể nào kể hết những khó khăn, gian khổ chồng chất lên đôi vai của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3. Anh em vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu vừa khai thác vật liệu để tự xây dựng nhà cửa, lại giúp dân chống hạn, chống đói, chống mù chữ.
Chúng tôi và các đồng nghiệp từng bám xe tải xuống Ayun Pa, Cheo Reo (Gia Lai), lên Đắk Tô, Tân Cảnh (Kon Tum), vào những buôn mà hồi đó phụ nữ còn ở trần, đàn ông còn đóng khố để viết bài về bộ đội Quân đoàn 3 giúp dân lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới. Từ những ngày đó, chúng tôi bắt đầu hiểu được rằng những người lính Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên có các tố chất riêng. Đó là sự chịu đựng gian khổ, chịu thương chịu khó hay ý chí tự lực tự cường, quyết đánh quyết thắng - những tố chất mà thế hệ các vị tướng lừng danh Chu Huy Mân, Hoàng Minh Thảo, Đặng Vũ Hiệp, Vũ Lăng, Nguyễn Quốc Thước... xây đắp và truyền lại cho đến nay.
Chúng tôi đã nhiều lần trở lại Tây Nguyên, trở về thăm Quân đoàn 3. Lần nào cũng vậy, đứng trước căn nhà được xây dựng những năm 1988-1989, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Bao nhiêu người đã chuyển công tác hay về hưu, bao thế hệ đã kế tục kể từ ngày trở lại Tây Nguyên song có một điều gần như còn nguyên, thậm chí có phần hơn, là so với các đơn vị chủ lực khác, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 luôn vất vả, gian khổ.
Anh em gian nan, vất vả bởi vị trí địa lý, bởi thời tiết, bởi nhiệm vụ được giao và điều quan trọng nhất là xa hậu phương - cán bộ của quân đoàn đa số ở phía Bắc vào. Tuy vậy, truyền thống của Quân đoàn 3, truyền thống của bộ đội Tây Nguyên - Bộ đội Cụ Hồ vẫn được các thế hệ viết tiếp mạch lạc, không một chút gợn.
Thắm tình cá - nước
Đại tá Bùi Huy Biết, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3, vốn là chỗ quen biết của chúng tôi. Năm 1985, chúng tôi là phó đại đội trưởng chính trị ở 2 đơn vị của Sư đoàn 320 - Quân đoàn 3. Từng nhiều lần được cử đi học cơ bản nhưng khi kết thúc, anh lại xin trở về quân đoàn. Đại tá Biết cho hay nhiều năm qua, Quân đoàn 3 được đánh giá là một trong những đơn vị hoàn thành tốt công tác dân vận, góp phần giúp dân xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
“Tây Nguyên là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng của cả nước, là mục tiêu của bọn phản động thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Hiện nay, tà đạo Hà Mòn và bọn xấu vẫn lén lút tuyên truyền gieo rắc nọc độc ly khai, kích động bà con vượt biên trái phép. Nắng hạn, cháy rừng, bão lũ, thiên tai năm nào cũng gây thiệt hại và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân... Trong công tác dân vận, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 tập trung vào những địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Chúng tôi thực hiện tốt hoạt động kết nghĩa, hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận và phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” - đại tá Biết tự hào.
Năm 2013, gần 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320, Lữ đoàn Công binh 7, Trường Quân sự... thuộc Quân đoàn 3 đã vượt hàng trăm cây số đường trong mưa to, gió cuốn của cơn bão số 14 để đến với người dân vùng lũ Bình Định, giúp bà con khắc phục hậu quả thiên tai. Mùa khô 2013-2014, gần 600 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10, Sư đoàn 320, Lữ đoàn Công binh 7 đã hành quân trong đêm, vượt qua nhiều khe núi, con suối, đỉnh cao hiểm trở để tham gia dập lửa, cứu hàng ngàn hecta rừng ở Bắc Biển Hồ và trên đỉnh Cổng trời Mang Yang (Gia Lai), Tân Cảnh (Kon Tum).
750 lượt cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10 đã giúp bà con dân tộc thiểu số ở Đăk Tô, Tân Cảnh tu sửa 1.500 m đường và đổ 1.500 m đường bê-tông; hỗ trợ gạo cho dân mùa giáp hạt. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 đến với người dân ở lòng hồ thủy điện Đăk KRing (Kon Tum) vừa vận động họ thực hiện chủ trương di chuyển về nơi ở mới vừa giúp tháo dỡ, vận chuyển, lắp ráp, dựng 150 căn nhà trong niềm vui, hạnh phúc của bà con trước thềm năm mới...
Hình ảnh vị tư lệnh, chính ủy cùng cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 không quản bão lũ nguy hiểm đã có mặt kịp thời, đưa hàng ngàn người dân bị nước lũ dâng cao bao vây, mắc kẹt trên cây, trên mái nhà ở 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên và cả tỉnh Ratanakiri của nước bạn Campuchia về nơi an toàn trong trận lũ lịch sử cuối năm 2009-2011 hay năm 2013-2014 mãi mãi là hình ảnh đẹp, sống động, góp phần viết tiếp bài ca truyền thống ở vùng đất Tây Nguyên.
Cùng xây dựng nông thôn mới
Quân đoàn 3 đã phối hợp cùng các ban, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chương trình “Quân đội tham gia xây dựng nông thôn mới” ở nhiều xã tại Kon Tum và Gia Lai, bước đầu giúp 997 hộ thoát nghèo bền vững.
Cùng với cấp ủy, chính quyền các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, các đơn vị của Quân đoàn 3 đã củng cố, đưa vào hoạt động 354 chi bộ thôn làng, 14 chi bộ dân quân, 324 tổ chức chính quyền thôn, xã; khai hoang phục hóa, trồng và bàn giao cho bà con hơn 485 ha cây trồng các loại; tu sửa 346 trường học, trạm xá, nhà rông văn hóa...
Bình luận (0)