Xưa kia, bên cạnh một số người làm báo chuyên nghiệp (như Nguyễn An Ninh, Vũ Bằng...) cũng đã có nhiều người vừa làm văn vừa làm báo (như Ngô Tất Tố, Lê Văn Trương, Phan Khôi...). Nay có điều kiện, các nhà khoa học, chuyên gia cũng tham gia viết báo về các vấn đề của xã hội.
Những năm 1980, khi đang còn là chuyên gia ở nước ngoài, tình cờ trong lần tôi về nước công tác, anh bạn Mạnh Tú ở Báo Lao Động đến tận nhà phỏng vấn viết bài “Suy nghĩ về nền thể thao nước nhà” (vì tôi là cầu thủ nghiệp dư đánh bóng bàn có tiếng). Tiếp đó là nhiều bài viết của tôi được đăng trên các báo Lao Động, Thanh Niên… Người thầy đầu tiên dẫn dắt, khuyến khích, động viên đưa tôi đến với phản biện xã hội chính là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đến nay, tôi không nhớ mình đã viết được bao nhiêu bài báo vì quá nhiều.
Người Lao Động là một trong những tờ báo thân tình của tôi. Tôi hay viết bình luận hoặc ý kiến bạn đọc và đã có hơn 50 bài được đăng. Cùng nhiều báo khác, Báo Người Lao Động thân thiết, gần gũi với bạn đọc vì phản ánh đầy đủ, trung thực và kịp thời tới mức cao nhất các diễn biến trong cuộc sống.
Nghề báo cao quý, được gọi là thư ký thời đại. Chuyên gia viết báo có niềm vui lớn nhất là được nhiều độc giả quan tâm đón nhận, chia sẻ, kết bạn, được đặt tên là “nhà báo công dân”. Victor Hugo, đại văn hào Pháp, đã khẳng định: “Hãy nhìn vào dân chúng, bạn sẽ thấy chân lý”. Mục đích viết báo của tôi là phục vụ nhân dân. Trách nhiệm công dân là một điều thiêng liêng, viết báo trung thực là cách thể hiện nghĩa vụ thiêng liêng ấy. Đó chính là yếu tố gắn kết tôi với nghề báo, sống trong lòng nghề báo.
Bình luận (0)