Khoảng tháng 11/1992, VNA có ký hợp đồng chỉ định Cty Falcomar (Ý) là đại lý của VNA tại thị trường ý. Theo phía nguyên đơn, trong khoảng thời gian từ tháng 9/1991 đến tháng 12/1992, LS Liberati đã thực hiện một số công việc cho Cty Falcomar với tư cách là đại diện cho VNA.
Ngày 14/9/1994, LS Liberati có đơn gửi tòa án Roma yêu cầu phía Cty Falcomar và VNA thanh toán những chi phí công việc mà ông ta đã thực hiện, tổng số khoảng trên 573.000.000 Lia (tiền Ý). Ngày 1/11/1994, thông qua Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, toà án Roma đã gửi giấy triệu tập cho VNA tham dự phiên toà tại Ý.
Theo giấy triệu tập này thì ngày 30/11/1995, VNA phải có mặt tại toà án Roma để tham dự phiên xử. Tuy nhiên, VNA đã không có đại diện tham dự phiên xử này. Dù vậy, phiên toà vẫn được đưa ra xét xử theo luật định của Ý.
Ngày 7/3/2000, toà án Roma đã ra phán quyết số 8395. Theo phán quyết này thì phía VNA phải bồi thường cho LS Liberati là 4 tỷ 851 triệu Lia (tương đương khoảng 4,3 triệu Euro). Tuy nhiên, ở thời điểm đó, do không tham dự phiên toà nên VNA không nhận được phán quyết cũng như bất cứ thông tin nào liên quan đến vụ việc này.
Cho đến ngày 2/5/2002, cũng là thời điểm đã hết hạn kháng cáo, VNA mới nhận được thư của LS Liberati cùng trích lục bản án của Toà án Roma, yêu cầu VNA phải trả số tiền 4.370.584 Euro trong vòng 30 ngày và cảnh báo: Nếu không thanh toán sẽ thực hiện các hành động pháp lý khác. Đến lúc này, VNA mới biết.
Đúng như cảnh báo, ngày 18/2/2004, VNA nhận được thông báo của Ủy ban Đòi nợ và Tịch biên Pháp thông báo phong tỏa số tiền 1.334.411,94 Euro tại tài khoản BSP Pháp (tài khoản thu từ bán vé máy bay ở đại lý) của VNA để thanh toán theo án quyết của Toà án Roma.
Kèm theo quyết định của Toà Phúc thẩm Paris xác nhận số tiền mà VNA phải trả là gần 5,2 triệu Euro (tính cả lãi suất phát sinh theo lãi suất ngân hàng, tức là khoảng 100 tỷ đồng Việt Nam). Trước sự phức tạp của vấn đề, ngày 9/6/2004, VNA đã báo cáo sự việc với Thủ tướng Chính phủ.
Tuy LS Liberati cũng chưa lấy được tiền (do phía VNA đang có đơn đề nghị Tòa án Pháp bỏ lệnh phong toả, chờ vào phán quyết của Tòa Phúc thẩm Roma), nhưng số tiền hơn 1,3 triệu Euro mà Toà án Pháp phong tỏa của VNA vẫn trong tình trạng “không thể tiếp cận”.
Sáng 30/3, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với Tổng Giám đốc VNA Nguyễn Xuân Hiển. Mặc dù thời điểm xảy ra vụ việc, ông Hiển chưa nắm giữ cương vị này (ông Nguyễn Xuân Hiển được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc VNA vào tháng 9/2000), ông Hiển vẫn có cuộc trao đổi thẳng thắn với chúng tôi xung quanh vấn đề này.
Tổng giám đốc VNA Nguyễn Xuân Hiển thừa nhận vụ việc là có thật và VNA đang nỗ lực tìm giải pháp giải quyết ổn thỏa vụ việc. Ngay trong sáng 30/3, HĐQT của VNA cũng đang họp bàn về vấn đề trên.
Theo ông Nguyễn Xuân Hiển, hôm nay (31/3), Tòa phúc thẩm tại Ý sẽ đưa ra phán quyết việc có chấp nhận đơn đề nghị kháng cáo của VNA. Chúng tôi sẽ thông tin đến quý độc giả về kết quả của phiên tòa và toàn bộ nội dung cuộc trao đổi với Tổng giám đốc VNA Nguyễn Xuân Hiển liên quan đến những diễn tiến mới nhất của vụ việc.
Bình luận (0)