icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vietnam Airlines mua động cơ tầm ngắn cho máy bay tầm xa

Nhóm PV điều tra

Ngày 14-1-2002, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA) trình Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt lựa chọn động cơ cho dự án mua 4 máy bay tầm trung, xa Boeing 777-200 ER LGW để khai thác các đường bay dài tới Mỹ và châu Âu như Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Tuy nhiên, cuối cùng VNA đã có văn bản giải trình để được mua động cơ tầm ngắn. Hệ quả là ngay sau đó, VNA vẫn phải thuê máy bay Boeing 777 – 200 lắp động cơ tầm xa để bay tới các thị trường nói trên.

Mua hàng ế

Những năm 1999-2000, VNA đã mở thầu mua động cơ cho máy bay Boeing 777-200 ER LGW với hai hãng tham gia thầu là Pratt-Whitney (PW) và General Electric (GE). Hai hãng này cùng với Roll Royce (RR) là 3 nhà sản xuất động cơ máy bay dân dụng hàng đầu thế giới. Sau khi xem xét hồ sơ thầu và các yêu cầu, các chuyên gia khuyến cáo nên dùng động cơ GE 90 cho máy bay Boeing 777-200 ER chứ không nên mua PW 4080D.

Tuy nhiên, sau đó, VNA vẫn giải trình với nhiều lý lẽ khác nhau để duyệt mua động cơ PW 4080D. Và VNA đã được toại nguyện. Theo thông lệ chung, thị phần đối với từng loại động cơ là một trong những tiêu chí rất quan trọng để lựa chọn loại động cơ. Theo báo cáo của VNA thì số liệu về thị phần của các loại máy bay và bản giải trình của tổ đàm phán là khác nhau. Giải trình của tổ đàm phán thì thị phần của máy bay Boeing 777-200 ER mà VNA lựa chọn như sau: RR chiếm thị phần lớn nhất là 45,1%, tiếp đến là GE 33,6% và cuối cùng là PW 21,3%. Tuy nhiên, trong tờ trình thì lại nêu là PW chiếm thị phần lớn nhất 71,2%, sau đó đến RR 20,7% và ít nhất là GE 8,1%.

Còn số liệu chính thức do đại diện nhà sản xuất máy bay cung cấp ngày 17-1-2002 đối với loại máy bay Boeing 777-200 ER LGW do VNA mua, thị phần của PW 4084D là ít nhất... 0%.

Việc bay đường dài hay ngắn không phải do động cơ?!

Vẫn theo phía nhà sản xuất máy bay, kể cả đối với loại máy bay Boeing 777-200 ER nói chung, thì PW vẫn chiếm thị phần nhỏ nhất, khoảng 20,54%, GE chiếm 37,6% và RR 41,86%. Ngày 5-6, làm việc chính thức với phóng viên Báo Người Lao Động, một quan chức có thẩm quyền của Vietnam Airlines lại đưa ra thông tin hoàn toàn khác. Theo tài liệu ông này cung cấp, VNA đã lập dự án mua máy bay Boeing 777-200 ER LGW. “Đó là loại máy bay Boeing 777-200 ER nói chung nhưng có loại tải trọng cất cánh tối đa cho phép nhỏ hơn loại Boeing 777-200 ER nói chung, vì vậy ký hiệu máy bay có thêm LGW”, phía VNA giải thích.

Theo VNA, việc mua máy bay với tải trọng cất cánh bao nhiêu là vấn đề kinh tế, thương mại đã được tính toán kỹ càng trong dự án khả thi và máy bay phải được sử dụng chủ yếu cho những đường bay đã tính toán với cấu hình thương mại (số lượng ghế, loại ghế) cụ thể. Đối với HKVN, các đường bay tầm trung, trung xa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì có hiệu quả kinh tế cao hơn các đường bay cực ngắn và đường bay dài (đi châu Âu và Mỹ). Đặc biệt sau sự kiện 11-9-2001 tại Mỹ, đường bay khu vực (đặc biệt Đông Bắc Á, Nhật, Australia) càng trở nên quan trọng với VNA. Việc lập dự án mua máy bay Boeing 777 cho đường bay dài (đi Pháp, Mỹ) không có khả năng thu hồi vốn và do đó không thể có dự án khả thi để thực hiện. Máy bay Boeing 767 đã dừng sản xuất vì lạc hậu. “Tất cả những lý do trên dẫn đến việc phải chọn máy bay Boeing 777-200 ER LGW và tăng số lượng ghế trên mỗi máy bay để lập dự án khả thi (máy bay có tải trọng 263 tấn và 338 ghế)”.

Để bảo vệ quan điểm của mình, VNA đưa ra lý lẽ: Tùy thuộc tải trọng cất cánh tối đa cần thiết cho loại máy bay chọn mua, nhà sản xuất máy bay tính toán và chỉ định công suất động cơ tương ứng, bảo đảm an toàn và tiết kiệm. Đối với máy bay do VNA đặt mua với tải trọng thiết kế là 263 tấn thì lực đẩy động cơ lựa chọn tương ứng ở mức 85.000 lbs. Tương ứng với lực đẩy này, có 3 loại động cơ tương ứng GE 85B, PW 4080D và RR Trent 884.

Song có một điều VNA không nhớ, trong tất cả các khuyến cáo, các chuyên gia cũng như các cơ quan chức năng đều nêu rất cụ thể “không nên dùng động cơ PW 4080 D cho Boeing 777-200 ER LGW”. Cả 3 loại động cơ VNA đề cập đến, các chuyên gia cũng như đại diện nhà sản xuất đều khẳng định không ai dùng động cơ PW 4080 D cho Boeing 777-200 ER LGW.

Muốn bay tầm xa phải đi thuê

Sau khi VNA mua 4 chiếc Boeing 777-200 ER LGW, chúng chỉ được sử dụng để bay tầm trung thay thế Boeing 767 loại nhỏ chứ không thể dùng để bay đúng chức năng tầm trung và xa như VNA đã báo cáo. Để bay đến thị trường châu Âu và Mỹ, VNA tiếp tục phải đi thuê 4 chiếc Boeing 777 mới lắp động cơ GE mà chính mình đã loại để đưa vào sử dụng cho tầm bay xa.

Thông qua một công ty môi giới, VNA đã thuê máy bay Boeing 777 mới 100%, sử dụng động cơ GE90. Sau khi thỏa thuận xong, công ty môi giới đã đặt Boeing sản xuất cho VNA và cho VNA thuê với giá rất đắt so với giá thuê cùng loại trên thị trường. Theo nguyên tắc thị trường thuê máy bay, giá thuê máy bay Boeing 767 và Airbus càng dài giá càng rẻ. Trong khi đó, giá VNA thuê lại tăng lũy tiến theo thời gian, nghĩa là càng thuê lâu càng đắt. Trong hợp đồng thuê Boeing 777 hiện tại, giá thuê các tháng ban đầu chỉ hơn 400.000 USD/tháng nhưng từ tháng 60 trở đi, giá thuê tăng lên gấp đôi là hơn 800.000 USD/tháng. Tất cả các hợp đồng thuê cả về thời gian, giá tiền đều áp dụng cho suốt thời gian thuê. Không có điều khoản nào để có thể điều chỉnh theo giá thị trường.

Chiều 5-6, theo tài liệu vị quan chức VNA cung cấp sau khi được sự đồng ý của lãnh đạo VNA giải thích rằng việc phải thuê Boeing 777-200 ER để bay thẳng Paris (Pháp) hiện nay chỉ là giải pháp quá độ trong thời gian phải chờ đợi và tìm kiếm 1 loại máy bay thích hợp hơn để đầu tư. Dù lắp động cơ GE và RR thì vẫn không có dự án khả thi được.

VNA phải bồi thường cho luật sư M. Liberati 5,2 triệu euro

Số tiền tương đương 100 tỉ đồng Việt Nam - Đó là phán quyết mới nhất của Tòa phúc thẩm nơi thụ lý vụ kiện của luật sư người Ý Maunizio Liberati đối với VNA. Bản án này có hiệu lực từ đầu tháng 4-2006 vừa qua. Như vậy, phán quyết này không có thay đổi so với phán quyết của Tòa án Roma (Ý) năm 2000.

Như Báo Người Lao Động đã từng thông tin, vụ việc bắt đầu từ năm 1992 khi VNA ký hợp đồng với Công ty Falcomar (Ý) để công ty này làm đại lý của VNA tại Ý. Tiếp đó, Falcomar thuê luật sư Liberati để thực hiện cho họ một số công việc. Tuy nhiên, Liberati sau đó bị Falcomar sa thải và vị luật sư này kiện lên Tòa án Roma đòi Falcomar và VNA phải bồi thường.

Tháng 11-1994, Tòa án Roma gửi giấy triệu tập VNA tham dự phiên tòa diễn ra vào tháng 11-1995, nhưng VNA đã không có mặt tại phiên xử. Kết thúc phiên tòa, tòa án phán quyết VNA phải bồi thường cho Liberati 4,851 tỉ lia (khoảng 4,3 triệu euro). Đến tháng 2-2004, do không thực hiện việc bồi thường cho luật sư Liberati, VNA đã bị Ủy ban Đòi nợ và Tịch biên Pháp phong tỏa số tiền hơn 1,3 triệu euro tại tài khoản thu từ bán vé máy bay ở đại lý, đồng thời thông báo quyết định của Tòa Phúc thẩm Paris xác nhận số tiền VNA phải trả cho Liberati (bao gồm cả tiền phát sinh theo lãi suất ngân hàng) là 5,2 triệu euro (khoảng 100 tỉ đồng).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo