Nhiên liệu “đội giá” gần bằng lợi nhuận cả năm
Trưởng Ban Kế hoạch đầu tư Vietnam Airlines, bà Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết tuy chưa có văn bản đề nghị chính thức nhưng hiện tại, phụ thu nhiên liệu vào giá vé nội địa là giải pháp được coi là hiệu quả nhất để đảm bảo doanh thu cả năm đối với Vietnam Airlines. Khi lập kế hoạch mua nhiên liệu bay năm 2005, Vietnam Airlines đã tính toán giá dầu trung bình là 50 USD/thùng. Thế nhưng chỉ tính riêng quý I giá dầu đã tăng vọt hơn 60 USD/thùng khiến tổng công ty phải có dự toán mới cập nhật hơn. Theo dự toán này, nếu tính giá dầu ở biên độ 52–60USD/thùng thì tổng chi phí nhiên liệu tăng thêm sẽ lên tới 540 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận cả năm của Tổng công ty xét trong điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất cũng chỉ đạt được khoảng 500-600 tỷ đồng.
Mặc dù không tiết lộ cụ thể về thời điểm trình kế hoạch này cũng như mức phụ thu cho các chặng bay nhưng theo bà Vân, sẽ bù đắp được một phần đáng kể cho chi phí đầu vào và có thể cân bằng thu chi. Lượng hành khách nội địa của Vietnam Airlines năm nay dự kiến đạt khoảng hơn 2 triệu lượt người, chiếm hơn 40% tổng sản lượng vận chuyển khách.
Từ tháng 6 năm ngoái, Vietnam Airlines đã quyết định thu thêm mỗi vé hành khách 5 USD trên chặng bay ngắn và 20USD bay đường dài. Cước hàng hoá, bưu kiện cũng phụ thu từ 0,1-0,4 USD/ 1kg. Theo bà Vân, đây là việc bất đắc dĩ vì các hãng hàng không coi phụ thu nhiên liệu là một công cụ cạnh tranh. Phần thu thêm này là để chi trả cho phần gia tăng của giá nhiên liệu đầu vào nhưng thực chất là tính vào giá vé. Lựa chọn hãng hàng không nào, hành khách chỉ quan tâm giá tiền mà phải trả là bao nhiêu chứ không quan tâm đến thuế nhiên liệu. Cho nên, việc phụ thu nhiên liệu vào giá vé là chuyện “cực chẳng đã”.
Các nhà quản lý nói gì?
Trong một cơn sốt giá dầu khác là thời điểm tháng 7-2004, Vietnam Airlines đã lần đầu tiên đề nghị Chính phủ cho phụ thu nhiên liệu vào giá vé nội địa ở mức 30.000 – 50.000 đồng/vé tuỳ chặng bay nhưng không được chấp thuận. Lý do duy nhất là Chính phủ lo ngại không đảm bảo mối tương quan với giá cước các ngành vận tải khác và như thế không bình ổn được thị trường. Theo góp ý của Bộ Tài chính, trong trường hợp Tổng công ty đã triệt để tiết kiệm chi phí và tăng doanh thu nhưng vẫn bị lỗ thì có thể đề nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu nhiên liệu máy bay hoặc điều chỉnh các chỉ tiêu nộp ngân sách. Còn tại thời điểm này, cơ quan chủ quản trực tiếp của Vietnam Arlines là Bộ Giao thông vận tải cũng không ủng hộ phụ thu. Trao đổi với NLĐ chiều qua, Thứ trưởng Nguyễn Tiến Sâm khẳng định “nếu Vietnam Airlines trình lên, Bộ sẽ không đồng ý vì không thể tăng giá vào lúc này”.
Báo cáo của Vietnam Airlines, doanh thu 6 tháng đầu năm nay đạt gần 10.000 tỷ đồng, bằng 52,4% kế hoạch cả năm. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 59,7% kế hoạch. Theo bà Vân, sở dĩ Tổng công ty vẫn có lãi trong khi khoản bội chi nhiên liệu lên đến hơn 200 tỷ đồng là do công tác điều hành linh hoạt, hiệu quả và thị trường hàng không đang tăng trưởng nhanh.
Vietnam Airlines cũng đề nghị Chính phủ nâng trần giá vé nội địa và giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu máy bằng 0%. Dự kiến tổng chi phí nhiên liệu bay năm 2005 của Tổng công ty là 210 triệu USD (tính theo giá dầu 50USD/thùng), trong đó phần nhiên liệu chịu thuế (5%) chiếm khoảng 50 triệu USD. Nếu bỏ thuế thu nhập, tổng công ty sẽ tiết giảm được khoảng 2,5 triệu USD.
Bình luận (0)