Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh ngày 23-11, phần lớn các câu hỏi của ĐBQH đều xoáy vào vấn đề giám sát, quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp (DN), tổng công ty và tập đoàn kinh tế, điển hình là Vinashin.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các Vấn đề xã hội của QH, ông Đặng Như Lợi (ĐB Cà Mau), chất vấn về giá trị tài sản còn lại ở Vinashin; trách nhiệm của Bộ Tài chính và bộ trưởng khi để xảy ra sai phạm ở tập đoàn này.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết khi mới thành lập, Vinashin chỉ có 100 tỉ đồng vốn điều lệ, sau năm 2006 chuyển thành tập đoàn có vốn 2.174 tỉ đồng. Khi phát hiện thua lỗ, Chính phủ thực hiện tái cơ cấu bước 1, xác định lại vốn điều lệ để bổ sung vốn mới theo đúng quy định.
ĐB Lê Quốc Dung: “Giá trị tài sản còn lại của Vinashin rất thấp”
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định tổng tài sản của Vinashin còn hơn 104.000 tỉ đồng và số nợ hơn 86.000 tỉ đồng nằm trong tài sản này, tức trong các dự án, nhà máy. Hiện Vinashin đang chờ kiểm toán để xác định mất vốn bao nhiêu, giá trị tài sản còn lại bao nhiêu...
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Lê Quốc Dung (ĐB Thái Bình) vẫn cho rằng giá trị tài sản còn lại của Vinashin rất thấp so với sổ sách... Trước thắc mắc của nhiều ĐBQH, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã nhiều lần khẳng định tổng số nợ của Vinashin tính đến ngày 30-6 là 86.000 tỉ đồng nhưng chưa thể mất hết tài sản.
Trong số gần 10 chất vấn về Vinashin với Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, hầu hết các ĐBQH đều hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý vốn là Bộ Tài chính trước sự đổ vỡ của tập đoàn này.
ĐB Trịnh Thị Nga (Phú Yên) thắc mắc: “Bộ Tài chính cho rằng mình đã làm hết chức trách, nghĩa là bộ vô can, vậy thì ai phải chịu trách nhiệm khi bộ Tài chính đã chỉ ra 11 điểm sai và 12 kiến nghị nhưng không được thực hiện?”.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: “Vinashin chưa thể mất hết tài sản”
Người đứng đầu Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định hiệu quả đầu tư thuộc trách nhiệm của chính lãnh đạo DN. Bộ Tài chính đã có 4 cuộc thanh, kiểm tra định kỳ, một cuộc thanh tra đột xuất, phát hiện sai phạm, có phúc tra, lập biên bản và đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu Vinashin thực hiện theo kiến nghị thanh tra.
Tuy nhiên, Vinashin chưa thực hiện nghiêm túc những kiến nghị này. “Nếu tham mưu sai, tôi xin chịu trách nhiệm. Bất cập là ở chỗ không có chế tài cưỡng chế DN thực hiện kiến nghị thanh tra” – ông Vũ Văn Ninh nhìn nhận.
ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM) chất vấn: “Bộ Tài chính đánh giá thế nào về hiệu lực của công tác quản lý khi có nhiều đợt thanh - kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm ở Vinashin?”.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói: “Bản thân tôi cũng rất lo lắng về việc làm ăn của Vinashin”. Tuy nhiên, ông cũng trấn an rằng Vinashin có 9 kỳ trả lãi đầy đủ; nợ gốc đến năm 2016 mới phải trả, bộ sẽ tiếp tục theo dõi và giám sát việc làm ăn để có nguồn trả nợ.
ĐB Trịnh Thị Nga (Phú Yên) đề nghị Chính phủ cung cấp cho ĐBQH các báo cáo kết luận thanh tra về Vinashin để “xem kiến nghị thanh tra thế nào mà để sai phạm như thế”. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng lưu ý Chính phủ xem xét đề nghị của ĐB Nga.
Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch-Đầu tư?
Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tưVõ Hồng Phúc khẳng định bộ đã làm tròn nhiệm vụ của mình trong vấn đề Vinashin.
“Chúng tôi chấp hành luật, mà luật thì do QH định. Luật này (Luật DN Nhà nước 2003 - PV) ghê quá, cho DN (quyền) lớn quá.
Nhiều lúc ta thông qua (luật) nhưng sơ hở nhiều quá, quy hoạch như thế này nhưng bộ trưởng không quản lý được; HĐQT, tổng giám đốc quyết định hết.
Tôi cho rằng cái sai này là đau lắm, thất thoát rất lớn... Mỗi ĐB chúng ta cũng phải có trách nhiệm ngay khi làm luật.
Theo tôi, đứng ở góc độ tổng quan mà nhìn thì đó (Vinashin) là bài học chung, cho cả QH, Chính phủ và lãnh đạo Nhà nước về việc thí điểm, chúng ta phải rút ra từ đây để chỉnh đốn” - Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đánh giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Nguyễn Văn Thuận, nhận xét: “Nói như Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thì QH chịu trách nhiệm hết cả, theo tôi không phải.
Khi Bộ Chính trị ra nghị quyết đồng tình cho phép tổ chức thí điểm tập đoàn thì Chính phủ là cơ quan quản lý Nhà nước về DN, Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải trình ra Chính phủ, trình QH sửa đổi Luật DN, hoặc trình ra QH một nghị quyết về tổ chức, hoạt động của tập đoàn.
Bộ trưởng không thể nói Bộ Kế hoạch - Đầu tư vô can...”. “Năm ngoái, khi QH sửa luật dùng quy tắc một luật sửa nhiều luật, trong đó có Luật DN Nhà nước, vì sao lúc đó bộ biết chuyện như vậy mà không trình ra QH để xử lý?” - ông Thuận thắc mắc.
P.Dương |
Bình luận (0)