Hoạt động đóng tàu của Vinashin không còn thuận lợi như trước đây. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Cắt giảm quy mô
Triển khai tái cơ cấu, Vinashin đang thu gọn quy mô, chỉ giữ lại công ty mẹ và 42 doanh nghiệp thành viên như đề án tái cơ cấu lần một xây dựng từ năm rồi. Theo đó, các doanh nghiệp được giữ lại phải tinh giảm bộ máy, tổ chức, lao động.
Nhiều khó khăn khách quan
Tuy nhiên, việc tái cơ cấu Vinashin đến nay không đạt kết quả như mong muốn vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là do kinh tế thế giới suy giảm, kéo theo sự sụt giảm mạnh của vận tải biển khiến cho đầu ra của Vinashin bế tắc.
Nếu như trước đây Vinashin là địa chỉ đóng tàu của nhiều nước như Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Đức… thì hiện nay, không ít chủ tàu đã đột ngột hủy hợp đồng. Giá một con tàu thường lên đến vài chục triệu USD, trong đó 2/3 là giá trị thiết bị nhập khẩu. Vì vậy, nếu không có đầu ra, doanh nghiệp đóng tàu không chỉ mất lãi mà còn phải âm vốn do nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị. Bên cạnh đó, thị trường tài chính và chứng khoán suy giảm dẫn đến việc chẳng ai mua tài sản, dự án của Vinashin rao bán.
Theo Vụ Tài chính Bộ GTVT, tính đến tháng 5-2012, toàn ngành có 18.582 lao động phải nghỉ việc, dãn việc, trong đó Vinashin có đến 7.800 người. Số nợ BHXH của ngành là 386,1 tỉ đồng thì Vinashin và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã chiếm hơn một nửa. Chín tháng đầu năm nay, doanh thu của Vinashin chỉ gần 1.500 tỉ đồng, chưa bằng 16% kế hoạch cả năm.
Tái... tái cơ cấu
Do những khó khăn trên, mới đây, Vinashin đang phải tái cơ cấu một lần nữa. Trong đề án tái cơ cấu mới, tập đoàn này tiếp tục thu nhỏ quy mô, chỉ giữ lại công ty mẹ cùng 12 doanh nghiệp đóng tàu và Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy.
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn xử lý nợ của Vinashin cần có chính sách để xử lý những vướng mắc đang tồn tại; không hình sự hóa các quan hệ dân sự và tách phần xử lý nợ với tài sản của doanh nghiệp. Đặc biệt là tiến trình khoanh nợ, dãn nợ theo Nghị quyết số 84 của Chính phủ cần được tích cực triển khai để không làm ảnh hưởng đến việc huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của tập đoàn này. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng xử lý nợ của Vinashin cần gắn với việc xử lý nợ xấu của cả nền kinh tế.
Tìm phương án hợp lý nhất Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết một đoàn công tác gồm đại diện Bộ GTVT, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ và nhiều chuyên gia kinh tế đang khảo sát, làm việc với các đơn vị của Vinashin. Sau chuyến công tác này, đoàn sẽ đưa ra một nhận định đầy đủ về Vinashin sau khi tái cơ cấu để báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị. Báo cáo này cũng sẽ có đề xuất hợp lý nhất để tiếp tục tái cơ cấu Vinashin. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Viết Muôn cho biết Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin và Chính phủ đã triển khai rất quyết liệt việc tái cơ cấu tập đoàn này. Trong 2 năm qua, các cơ quan liên quan đã tổ chức gần 80 cuộc họp, ban hành khoảng 200 văn bản chỉ đạo việc tái cơ cấu nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa rõ. Quá trình tái cơ cấu Vinashin là vấn đề phức tạp, khó khăn, lâu dài do phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
T.Hà |
Bình luận (0)