Ông tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, khi mới 17 tuổi. Năm 1946, ông đã được giao phụ trách tờ Chống Xâm Lăng của Thành ủy Sài Gòn. Năm 1951, ông làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Miền Nam của Trung ương Cục. Trong suốt chiến tranh VN, ông lần lượt đảm trách nhiều cương vị quan trọng, như Bí thư Thành ủy Sài Gòn, phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN. Sau khi VN thống nhất, ông không tham gia chính quyền mà tập trung vào sự nghiệp nghiên cứu, sáng tác và đã chứng tỏ sự uyên bác, thông thái trên nhiều lĩnh vực.
Do ảnh hưởng của gia đình, lòng ham thích văn chương hình thành trong ông rất sớm. Năm 1943, ông đã có những bài thơ đầu tay, như: Trên bờ Đồng Nai, Dấu cũ, Chiếu rách mưa đêm, Dạy học lậu... Và ông đã gắn bó lâu dài với thể loại thơ, với các tập: Bài ca khởi nghĩa (1970), Hành trình (1972), Theo sóng Đồng Nai (1975), Đất nước lại vào xuân (1978), Những cái tên đồng bằng (1986), Tuyển tập Hưởng Triều (1997)... Ông có nhiều bút hiệu, gồm: Hưởng Triều, Nguyễn Hiểu Trường, Nguyễn Trương Thiên Lý, Trần Quang... và tham gia ở nhiều thể loại khác nhau.
Ông có nhiều tác phẩm truyện ngắn, truyện vừa mang tính thời sự, như: Bác Sáu Rồng (1975), Chân dung một quản đốc (1978), Một ngày của bí thư tỉnh ủy (1985), Ngày về của ngoại (1985)... Ông sáng tác nhiều vở kịch nói: Trần Hưng Đạo bình Nguyên (1951), Nửa tuần trăng kỳ lạ (1984), Tình yêu và lời đáp (1985), Một mùa hè oi ả (1986), Một mối tình (1987)... Ông cũng sáng tác nhiều kịch bản phim được đánh giá cao, như: Ông Hai Cũ
(2 tập, 1985-1987), Dòng sông không quên (1989)..., đặc biệt là Ván bài lật ngửa (9 tập, 1982-1988).
Ông tham gia biên soạn hoặc làm chủ biên nhiều công trình khoa học, như: Địa chí văn hóa TPHCM, Địa chí Đồng Tháp Mười, Địa chí Sông Bé, Lịch sử Nam Bộ kháng chiến...
Ông còn được xem là một cây bút tích cực phê phán tiêu cực và có nhiều kiến nghị sâu sắc về việc đổi mới đất nước. Nổi bật nhất có Đổi mới - Đi lên từ thực tế (NXB Trẻ, 2000) gồm 112 bài báo tuyển chọn từ giai đoạn 1975-2000.
TIN BUỒN Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TPHCM, Hội đồng Khoa học Xã hội TPHCM, Quận ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ quận 3, Quận ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ quận Tân Bình và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: Đồng chí TRẦN BẠCH ĐẰNG (TƯ ÁNH) Sinh năm 1926, tại Hòa Thuận, Giồng Riềng - Kiên Giang. Tham gia cách mạng năm 1941, vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11-1943; tháng 3-1945 là Bí thư Khu ngã 6 Chợ Lớn, kiêm Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Nam Bộ. Tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn. Ngày đầu chống Pháp (23-9-1945), là Chính trị viên Bộ đội Bình Đăng. Năm 1946 là Ủy viên Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách tuyên huấn. Năm 1947 là Trưởng Ban Thanh vận Xứ ủy. Là đại biểu chính thức của Đảng bộ Nam Bộ đi dự Đại hội Đảng Cộng sản toàn quốc lần thứ II (1949), bị giặc bắt trên đường đi tại Dốc Mỏ (Nam Tuy Hòa), bị kết án tử hình, sau đó vượt ngục. Năm 1950 là Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ, kiêm Phó Ban Tuyên huấn Xứ ủy, chủ bút Báo Nhân Dân Miền Nam và Chủ nhiệm Tạp chí Việt Xô (bút hiệu Trương Chí Công). Sau Hiệp định Genève, phụ trách Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1960 là Ủy viên Chủ tịch Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, phụ trách Thông tin - Văn hóa, kiêm Chủ tịch Hội đồng Văn học nghệ thuật giải phóng. Năm 1965 là Ủy viên Thường vụ Đặc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư nội thành. Trong tổng công kích Mậu Thân là Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Tiền phương Nam, Bí thư Đảng ủy Quân sự TP. Năm 1970 là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Năm 1976 là Hội viên Hội Nhà văn VN. Năm 1978 là Phó Ban Dân vận Trung ương. Năm 1981, công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương. Năm 1982, chuyên gia công tác tư tưởng văn hóa, viết báo, văn, nghiên cứu khoa học xã hội, giúp Trung ương và Chính phủ một số vấn đề về chiến lược tư tưởng, kinh tế - xã hội. Khen thưởng: Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng 1, Huân chương Giải phóng hạng 1, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng 1, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 1, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều huân, huy chương khác. Đã từ trần lúc 10 giờ 55 phút ngày 16-4 (nhằm ngày 29-2 Đinh Hợi), hưởng thọ 82 tuổi. Ban Tổ chức lễ tang đồng chí Trần Bạch Đằng gồm 18 thành viên, do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, làm trưởng ban. Linh cữu đồng chí Trần Bạch Đằng quàn tại Nhà Tang lễ TP (25 Lê Quý Đôn, quận 3). Lễ viếng bắt đầu lúc 15 giờ ngày 16-4. Lễ truy điệu lúc 12 giờ ngày 18-4, sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang TP. |
ÔNG LÊ HOÀNG QUÂN - CHỦ TỊCH UBND TPHCM: Một tổn thất to lớn Đảng bộ và chính quyền TPHCM rất xúc động khi biết tin nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từ trần. Ông là một trong những nhà hoạt động cách mạng đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tôi rất xúc động khi biết được trong những ngày tháng lâm bệnh nặng, ông vẫn chỉ đạo đội ngũ biên tập làm việc với cương vị Tổng Biên tập công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến. Sự ra đi của ông là một tổn thất to lớn của Đảng bộ và chính quyền nhân dân TPHCM. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một Đảng viên, một cán bộ chuyên cần của nhân dân. ÔNG NGUYỄN TRỌNG XUẤT, TỔNG THƯ KÝ BAN BIÊN TẬP CÔNG TRÌNH LỊCH SỬ NAM BỘ KHÁNG CHIẾN: Tấm gương sáng trong công việc Chúng tôi gồm 18 người đã gắn bó mật thiết với nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng để hoàn thành công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến. Trong công việc, ông luôn là tấm gương sáng cho chúng tôi. Từng chương, từng trang viết đều được ông chỉnh sửa chỉn chu, nghiêm khắc để không sai sót. Phần viết về kháng chiến chống Pháp đã được nghiệm thu; phần viết về kháng chiến chống Mỹ cơ bản cũng đã hoàn thành. Ông ra đi đã để lại sự hụt hẫng to lớn đối với chúng tôi, nhưng mục tiêu hoàn thành công trình này trong năm 2007 vẫn phải thực hiện, để ông có thể mỉm cười ở suối vàng. NSND DIỆP LANG: Luôn quan tâm đến sân khấu dân tộc Năm 1976, tôi và đông đảo nghệ sĩ TP đã được gặp ông, được nghe ông nói về những đổi mới của đất nước và trách nhiệm của người nghệ sĩ. Tư cách và uy tín của ông từ đó in sâu trong lòng chúng tôi. Nhiều nghệ sĩ Sài Gòn cũng được tiếp cận với con đường cách mạng qua những bài giảng của ông. Điều đáng quý là ông luôn quan tâm đến sân khấu dân tộc, hết lòng hướng dẫn và định hướng chúng tôi trên phương diện làm nghề, phải đoàn kết, thương yêu nhau. Nhờ đó, một số nghệ sĩ cải lương không bị phân biệt đối xử một thời. THANH HIỆP ghi |
Bình luận (0)