Tôi không muốn tin vào sự thật vô lý này. Vẫn biết rồi ông cũng sẽ ra đi, vẫn biết trước sau gì chuyện này cũng sẽ đến, nhưng tất cả những người yêu mến ông Ẩn đều không muốn chấp nhận.
Ông đã bỏ thuốc lá được mấy năm, ai cũng mừng. Ông hút thuốc 52 năm, lúc còn khỏe mọi người khuyên ông bỏ, ông nói: "Thôi cha nội, nếu bỏ thuốc thì tôi chết lâu rồi !". Cuối cùng thì ông cũng không ngang bướng được, khi chỉ còn thở với một phần hai lá phổi. Thỉnh thoảng thở không được, ông phải vào bệnh viện, rồi lại ra. Ban đầu thì thưa, sau dày hơn, và lần này thì không ra nữa... Ông không chống chọi với cái chết mà chờ đợi nó, hài hước với nó. Hồi trước tết ông bảo tết ông sẽ ra đi, bây giờ thì ông ra đi thật. Ông hài hước trong mọi tình huống, hài hước chừng nào ông vẫn còn thở, hài hước với nửa lá phổi của mình. Hôm nay thì hết rồi. Những người yêu mến ông Ẩn buồn và tôi có cảm giác cuộc đời bớt vui đi một chút...
Suốt hai mươi năm chiến tranh, ông đã làm được những việc ít có nhà tình báo cổ kim đông tây nào làm nổi. Trong hai mươi năm đó, tổng hành dinh kháng chiến "biết" Mỹ phần nhiều qua những tin tức và phân tích từ con người này. Tất cả chiến lược, chiến thuật, những chiến dịch, những cuộc hành quân lớn, những ý đồ quân sự - chính trị của đối phương, nhất là trong các thời điểm đặc biệt, đều được ông cung cấp từ trong trứng nước cho cấp chỉ huy cao nhất của kháng chiến. Điều lạ lùng là ông đã làm những chuyện tày đình đó không theo cách thông thường của hoạt động tình báo mà người ta quen hiểu. Ông làm việc gì cũng quang minh chính đại. Ông hoạt động tình báo vì Tổ quốc mình và khi trở thành nhà tình báo ông hoạt động chuyên nghiệp, không cảm tính. Là một người chính trực, Phạm Xuân Ẩn không cung cấp thông tin theo "khẩu vị" cấp trên. Đó là lý do khiến cho những tin tức tình báo từ Phạm Xuân Ẩn được cấp trên tin cậy một cách tuyệt đối. Là ký giả hãng tin Anh Reuters, rồi ký giả báo TIME của Mỹ, ông cũng là một nhà báo chuyên nghiệp. Không ai tìm thấy sự giả dối trong các bài báo của ông. Sau 30 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, một trí thức Mỹ, giáo sư Thomas A.Bass đã viết về Phạm Xuân Ẩn trên tờ The New Yorker: "Ẩn là một người Việt Nam thầm lặng, một mẫu người tiêu biểu với một lý tưởng cách mạng thuần thành. Anh thường nói anh không bao giờ dối ai, rằng anh cung cấp những bài phân tích chính trị cho báo TIME mà anh đã gửi cho Bắc Việt. Anh là một người bị xẻ đôi có lòng trung chính cao độ, một người sống với sự giả dối nhưng lại nói toàn sự thật" (trích từ Wikipedia). "Phạm Xuân Ẩn là đồng nghiệp của tôi và là một phóng viên sáng giá. Phạm Xuân Ẩn có một sự hiểu biết tinh tường về hiện tình chính trị Việt Nam, và đáng chú ý là những tin tức tài liệu của anh chính xác một cách lạ thường" (lời của McCulloch, cựu giám đốc các văn phòng báo TIME tại châu Á, nguồn đã dẫn).
Cách đây không lâu, tôi có gặp ông Larry Berman, một giáo sư chính trị học người Mỹ (Đại học California), một người rất khâm phục Phạm Xuân Ẩn và đang viết một cuốn sách về ông. Ông Larry nói ông đang cố tự lý giải một điều mà ông cho là khó giải thích nhất đối với người Mỹ: "Vì sao một người như ông Ẩn lại có thể được Việt cộng dung nạp ?". Tôi nói trong chống Pháp, yêu nước là theo Việt Minh; trong chống Mỹ, yêu nước là theo "Việt cộng". Đó là một điều giản dị dễ hiểu đối với người Việt Nam, nhưng đối với người Mỹ lại không dễ hiểu. Nếu hiểu được điều đó hẳn Mỹ đã không bị sa lầy ở Việt Nam.
Hiểu tại sao Phạm Xuân Ẩn được "Việt cộng" dung nạp thì dễ, nhưng tôi chắc còn lâu lắm chúng ta mới đánh giá hết về con người này. Chúng tôi đã viết một thiên ký sự đăng trên 52 số báo Thanh Niên và đang hoàn thành một cuốn sách về ông. Chúng tôi đã phăng hết những tài liệu, những đường dây, những đầu mối liên quan đến ông Ẩn, chúng tôi biết rất nhiều, nhưng hiểu được tầm vóc của ông thì chỉ được một chút xíu thôi. Biết là một chuyện, hiểu và tiếp cận được là một chuyện khác.
Giờ đây ông Ẩn đã trở nên gần gũi với người dân. Ông trở thành một niềm tự hào của nước Việt. Nhưng không phải ai cũng hiểu được ông. Phải yêu nước và chính trực mới có thể hiểu được con người này!
Bình luận (0)