Sáng 23-8, Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM đã diễn ra lễ viếng trọng thể bà Võ Thị Thắng, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và khóa X; đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI; nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba; nguyên phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
Nhiều đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến viếng, chia buồn sâu sắc đến gia quyến bà Võ Thị Thắng. Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Đức Đam, Vũ Văn Ninh, Phạm Bình Minh đã gửi vòng hoa đến viếng bà Võ Thị Thắng.
Ngay khi bắt đầu lễ viếng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ đã bước tới linh cửu bà Võ Thị Thắng thắp nén hương tưởng nhớ và chia buồn sâu sắc đến gia đình. “Vô cùng thương tiếc vĩnh biệt đồng chí Võ Thị Thắng, người đảng viên cộng sản kiên trung bất khuất – Nụ cười Võ Thị Thắng sống mãi với dân tộc Việt Nam. Xin chia buồn sâu sắc với gia quyến đồng chí Võ Thị Thắng”- Thủ tướng xúc động ghi vào sổ tang.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia buồn cùng gia đình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi những dòng xúc động trong sổ tang.
Tiếp đó, đoàn Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ TP HCM do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải dẫn đầu đã đến viếng và thành kính dâng hương lên bà Võ Thị Thắng.
Đoàn lãnh đạo TP HCM viếng và chia buồn cùng gia đình bà Võ Thị Thắng
Khi nghe bà Võ Thị Thắng mất, chắc chắn trong trí nhớ nhiều thế hệ người Việt Nam sẽ nhớ lại “Nụ cười chiến thắng” nổi tiếng. Đó là nụ cười tiêu biểu cho khí phách của người phụ nữ Việt Nam. Nụ cười ấy đã được một phóng viên người Nhật ghi lại 46 năm trước trên gương mặt cô gái Võ Thị Thắng 23 tuổi ngay sau khi bị tòa án quân sự chế độ cũ tuyên 20 năm tù. Năm 1968, bà bị giặc bắt, tuyên án 20 năm tù khổ sai. Trước bản án bà tươi cười và nói: “Tôi sợ chính quyền các ông không đủ thời gian tồn tại để thi hành án của tôi’’. Thực tế đã chứng minh lời nói của bà. Năm 1973, hiệp định hòa bình về Việt Nam được ký kết tại Paris, bà được trao trả tự do. Nụ cười ấy đã tạo niềm cảm hứng cho thơ, từ miền Bắc, nhà thơ Tế Hanh đã viết:
“Nụ cười như tấm gương thời gian
Nhân loại soi vào người con gái Việt Nam
Ôi nụ cười vinh quang, nụ cười chiến thắng
Đẹp bao nhiêu nụ cười Võ Thị Thắng”
"Nụ cười chiến thắng" của bà Võ Thị Thắng trong ngày bị kết án 20 tù khổ sai năm 1968
Sau ngày chiến thắng 30-4-1975, bà Võ Thị Thắng tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. Có một điều thú vị là từ năm 1975, tại La Habana - Cu Ba đã có trường học mang tên Võ Thị Thắng. Tại Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới tại Cu ba ngày 5-8-1978, chị là người đọc diễn văn bế mạc trong tiếng reo hò của hàng ngàn người ái mộ “nụ cười chiến thắng”.
Vào lúc 8 giờ 20 phút sáng 22-8, bà Võ Thị Thắng đã qua đời sau một thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 69 tuổi. Bà sinh ngày 10-1-1945 tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tang lễ bà Võ Thị Thắng được cử hành tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam. Lễ viếng từ 7 giờ 30 phút ngày 23-8 đến hết ngày 24-8-2014. Lễ truy điệu vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 25-8. Sau đó di quan về an táng tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Lễ tang nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng được tổ chức theo nghi thức cấp cao.
“Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ TP HCM vô cùng thương tiếc đồng chí Võ Thị Thắng, người cán bộ, đảng viên kiên trung của Đảng, luôn nêu cao đạo đức cách mạng, cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Võ Thị Thắng, với “Nụ cười chiến thắng” của người con gái đất Long An, đã trở thành một trong những biểu tượng đẹp đẽ của tinh thần lạc quan cách mạng trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước”- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải ghi trong sổ tang
Bình luận (0)